Giảm giá phòng xuống 1,1 triệu đồng/đêm, khách sạn 5 sao Hà Nội vẫn ế

Tính đến ngày 31/8, khoảng 950 cơ sở lưu trú tại Hà Nội tạm dừng hoạt động. Phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì không có du khách quốc tế.

Trong báo cáo kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm 40-60% với nhiều sản phẩm và chương trình ưu đãi hấp dẫn, lượng khách tiếp cận thấp.

Có thể kể đến khách sạn Pan Pacific giảm hơn 40% giá phòng Deluxe, còn 1,9 triệu đồng/đêm, giảm 30% ăn uống tại nhà hàng và bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm có buffet sáng, trưa hoặc tối cho 2 người, miễn phí dịch vụ trong khách sạn và nâng hạng phòng.

Trong khi đó, khách sạn Metropole giảm giá còn 1,1 triệu đồng/đêm bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar...

Tuy nhiên, công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, ước tính khối khách sạn 1-5 sao đạt 10,6%, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, khách sạn Lotte đạt 30%, khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18% hay Deawoo 7%.

 Một khách sạn trên phố cổ phải chuyển sang làm hàng ăn vì không có khách. Ảnh: Việt Hùng.

Một khách sạn trên phố cổ phải chuyển sang làm hàng ăn vì không có khách. Ảnh: Việt Hùng.

Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí, lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước tính doanh thu dịp 2/9 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 31/8, có khoảng 950 cơ sở lưu trú tại Hà Nội tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm. Phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi… rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills, cho biết nguồn cung thị trường khách sạn tại Hà Nội trong quý II khoảng 9.950 phòng, với 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao.

Tuy nhiên, hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực quận Hoàn Kiếm tiếp tục đóng cửa. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư đang cân nhắc việc có nên khánh thành hay không.

Đại diện Savills nhìn nhận cho tới khi các chuyến bay quốc tế được mở cửa trở lại, nguồn khách chính của thị trường khách sạn vẫn là khách nội địa.

Ở báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới đây, Tổng cục Thống kê thông tin trong 8 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên cả nước ước đạt 322.500 tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 13.100 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước. Với Hà Nội mức giảm là 42,2%.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giam-gia-phong-xuong-1-1-trieu-dongdem-khach-san-5-sao-ha-noi-van-e-post1127717.html