Giảm giá 88 dịch vụ y tế, hạn chế việc khám quá 50 người/ngày/bàn

Theo Thông tư 15 về giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc, có hiệu lực từ 15-7-2018, giá khám KCB của nhiều dịch vụ y tế BHYT sẽ giảm. Bên cạnh đó, còn có nhiều qui định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Theo đó, giá khám bệnh giảm 15-20%, giá ngày giường điều trị giảm từ 2 - 10% theo từng hạng BV, giá 40 dịch vụ y tế sẽ giảm mạnh. Có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm giá tại các cơ sở y tế công lập: Giá khám bệnh ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 từ 39.000 đồng nay còn 33.000 đồng/lượt, BV hạng 2 từ 35.000 nghìn đồng nay còn 29.600 đồng/lượt, BV hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 26.000 đồng/lượt, BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng còn 23.300 đồng/lượt.

Các dịch vụ cận lâm sàng như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện, phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày, dịch vụ nội soi tai mũi họng... cũng được giảm giá: Các dịch vụ nội soi tai mũi họng giảm hơn 100.000 đồng, siêu âm giảm 8.000 đồng, chụp X-quang số hóa 1 phim giảm 5.000 đồng; chụp CT scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536. 000 đồng xuống còn 512.000 đồng, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2,336 triệu đồng xuống 2,2 triệu đồng…

Tuy nhiên, giá giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại BV hạng đặc biệt được điều chỉnh tăng 677.100 đồng lên 687.000 đồng/ngày; tại BV hạng 1 điều chỉnh lên thành 615.600 đồng/ngày; với giường bệnh hồi sức cấp cứu tại BV hạng đặc biệt là 401.300 đồng/ngày và BV hạng 4 thì giảm từ 226.000 đồng xuống 22.000 đồng/ngày.

Song Thông tư cũng qui định chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế mới được kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch được giao để phục vụ người bệnh và được tổng hợp để thanh toán với cơ quan BHXH. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.

Với việc quy định mức giá khám bệnh cho các trạm y tế, người dân có thể KCB tại xã và vẫn được BHYT thanh toán: Mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của BV hạng IV. Các trạm y tế có giường lưu được áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của BV hạng IV và được thanh toán tối đa 3 ngày/người/đợt điều trị. Khi các trạm y tế cũng được thanh toán BHYT, người dân sẽ yên tâm KCB tại địa phương, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên.

Khám bệnh ở Trạm y tế xã

Bộ Y tế cũng nêu rõ những trường hợp cụ thể để được thanh toán khi đi KCB: Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế (cùng một ngày hoặc 2 ngày), người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác, thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh. Khi đến khám bệnh, người bệnh đã được khám, cấp thuốc về điều trị nhưng do có biểu hiện bất thường, lại đến cơ sở y tế đó để khám lại ngay trong ngày hôm sau, thì lần này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày để thanh toán.

Để đảm bảo chất lượng khám bệnh, không xảy ra việc khám qua loa, Bộ Y tế qui định những bàn khám khám trên 65 lượt khám/1 ngày chỉ được BHXH thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên. Tối đa trong 1 quý, mà cơ sở y tế vẫn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày thì BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Điều này sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người bệnh, tránh tình trạng khám để lấy số lượng.

Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là những bệnh nhân đang điều trị dở thì áp dụng thế nào từ ngày 15-7, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Với người bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế trước thời điểm thực hiện mức giá theo Thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm Thông tư có hiệu lực, thì tiếp tục được áp dụng mức giá trước thời điểm thực hiện Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Nhằm phục vụ cho công tác KCB cũng như thanh toán dịch vụ KCB, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, để đảm bảo kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí, cũng như đảm bảo việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi có sự thông tuyến KCB, giúp cho vấn đề kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế cho người có thẻ BHYT phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng cả ở người bệnh và người cung cấp dịch vụ.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/giam-gia-88-dich-vu-y-te-han-che-viec-kham-qua-50-nguoi-ngay-ban-496363/