Giảm gần 100 năm phí BOT đường bộ, dân vẫn kêu trời!

Bộ Giao thông Vận tải vừa thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.

Bộ GTVT cho rằng thời gian thu phí các dự án BOT đường bộ giảm gần 100 năm là do giá trị quyết toán có tổng mức đầu tư giảm so với tổng ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe

Trong 19 dự án đường bộ, có 13 dự án được giảm thời gian thu phí tổng cộng là 92 năm 3 tháng; 4 dự án điều chỉnh tăng thời gian 24 năm 5 tháng.

Dự án được điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất là công trình đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa với thời gian giảm thu phí lên tới 20 năm 1 tháng. Công trình này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 822 tỷ đồng, thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 27 năm 8 tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán 100%, giá trị thỏa thuận quyết toán là 718 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án đã được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 7 năm 7 tháng.

Trạm thu phí BOT dày đặc khiến dân bức xúc

Công trình QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) là dự án giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm 1 tháng xuống 12 năm 9 tháng).

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ PPP, việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án so với hợp đồng BOT chủ yếu do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe. Khi đàm phán ký kết hợp đồng BOT với các nhà đầu tư, theo quy định, Bộ GTVT sử dụng tổng mức đầu tư (TMĐT) để tạm thời xác định thời gian thu phí.

Tuy nhiên, trong số 19 dự án BOT đường bộ đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng sau khi thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán, có 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm 5 tháng.

Tiêu biểu là dự án cầu Mỹ Lợi, QL50 kéo dài nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng); dự án cầu Yên Lệnh, QL38 kéo dài 4 năm 3 tháng (từ 17 năm 1 tháng lên 21 năm 4 tháng); Dự án QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long kéo dài 3 năm (từ 16 năm 4 tháng lên 19 năm 4 tháng); Dự án QL1 đoạn Nam Bến Thủy – TP. Hà Tĩnh kéo dài 1 năm (từ 20 năm 5 tháng lên 21 năm 5 tháng).

Nguyên nhân khiến 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, nhất là dự án BOT cầu Mỹ Lợi và dự án BOT cầu Yên Lệnh, QL38.

Dù đã giảm phí tới gần 100 năm, nhưng dư luận nhân dân vẫn bức xúc, bởi nhiều trạm thu phí đặt quá dày đặc, điển hình là đoạn Hà Nội- Thái Bình, mật độ trạm thu phí đặt không đúng theo quy định 70km/trạm.

PV

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tai-chinh/giam-gan-100-nam-phi-bot-duong-bo-dan-van-keu-troi-d112590.html