Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt: Hút tác giả, độc giả bằng nâng chất dịch vụ

Mặc dù doanh thu ngành xuất bản tăng đến 31,4% so với năm 2016, tuy nhiên, người đứng đầu NXB Trẻ cho rằng còn tồn tại nhiều vấn đề trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một trong các tác giả chủ lực của NXB thời gian qua

Ngành xuất bản, in và phát hành (xuất bản) trong nước năm 2017 đã thực hiện 30.851 đầu sách với hơn 312,5 triệu bản in, tổng doanh thu đạt 2.892 tỷ đồng, tăng 31,4% so với năm 2016. Toàn ngành nộp ngân sách khoảng 109 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2016. Tuy nhiên, đằng sau những con số lạc quan này còn nhiều vấn đề. Vừa qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Trẻ về một số tồn tại trong lĩnh vực xuất bản hiện nay.

PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận sao về tình hình xuất bản trong nước hiện nay?

Ông NGUYỄN MINH NHỰT: Các con số thống kê đều tăng trưởng cho thấy sự lạc quan của ngành xuất bản. Thế nhưng, cũng chính các con số này lại cũng cho thấy một thực tế khác. Lợi nhuận sau thuế của tất cả NXB khoảng 190 tỷ đồng nhưng trong đó chỉ riêng 4 NXB lớn là: Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Giáo dục, Kim Đồng, Trẻ đã khoảng 170 tỷ đồng, như vậy 20 tỷ đồng lợi nhuận còn lại đến từ 56 NXB, chênh lệch quá lớn. Ngay tại Hội sách TPHCM lần thứ X sắp diễn ra cũng cho thấy sự mất cân bằng đó, số NXB tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là các đơn vị làm sách, phát hành…

Điều này còn phản ánh cụ thể nhất là ở xuất bản phẩm - ước tính có đến hơn 70% số sách xuất bản là từ liên kết, có nhiều NXB số sách liên kết chiếm tới 70%-80%, thậm chí có trường hợp lên đến 100%. Đa số các NXB hiện đang gặp khó khăn, thu không đủ bù chi, không có tiền trả tiền thuê mặt bằng, nhân lực; số NXB làm đủ sống ít, số có lợi nhuận còn ít hơn nữa. Có thể nói, sự phát triển chung của toàn ngành xuất bản và sự phát triển của các NXB hiện không đồng nhất, toàn ngành phát triển nhanh, các NXB phát triển chậm. Bên cạnh đó, cần phải thấy một thực tế rằng, các đơn vị liên kết làm sách là các công ty tư nhân, cổ phần… mục tiêu cuối cùng của họ là lợi nhuận, đó là điều bình thường. Điều khác biệt chỉ là ai có tâm thì làm sách đàng hoàng, tử tế để từ đó có lợi nhuận, người không có tâm thì làm chụp giựt chỉ cần lợi nhuận.

Vậy theo ông hướng xử lý sự mất cân đối này như thế nào?

Tại sao phải xử lý? Đây là một thực tế bình thường mà chúng ta phải chấp nhận. Điều đáng nói là thay vì tìm cách xử lý thì tại sao chúng ta không sử dụng chính nguồn lực này. Tôi biết có rất nhiều anh chị làm sách rất có tâm, nỗ lực đưa ra thị trường nhiều đầu sách hay, có giá trị. Thế nhưng, họ cũng phải sống, phải trả lương nhân viên, phải duy trì hoạt động… vì thế, họ phải tìm cách làm những cuốn sách vừa có giá trị nhưng cũng đồng thời có thể bán được, thu lợi được và họ phải chấp nhận bỏ qua những cuốn sách hay, có giá trị lớn nhưng chi phí thực hiện quá cao, khó hoặc lâu thu hồi vốn.

Tôi nói ví dụ, mảng sách khoa học kiểu như sách của nhà vật lý học Stephen Hawking chẳng hạn, phí bản quyền cao, không thể dùng người dịch thông thường, phải tìm các chuyên gia trong lĩnh vực, còn phải giỏi dịch nữa, rồi sau đó phải mời các chuyên gia cao cấp khác để hiệu đính… trong khi loại sách này lại kén bạn đọc. Ngay như trong nước, một cuốn sách nghiên cứu có giá trị, thời gian thực hiện có thể lên đến 5, 10 năm thế nhưng vất vả in ra, bán chừng 1.000 cuốn, tác giả nhận được khoảng 10 triệu đồng nhuận bút chưa trừ thuế, thế còn mấy ai dám làm nữa.

Đã đến lúc, chúng ta cần có một chiến lược sách quốc gia. Có chiến lược này chúng ta mới có thể biết được đầu tư đi đâu, đầu tư cho ai. Ví dụ như các đơn vị làm sách tư nhân, thay vì chạy theo nhu cầu thị trường thì nay có thể nhận làm sách theo chiến lược chung, chính phủ có thể hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, hoặc là hỗ trợ phát hành… Chúng ta có được sách hay như mong muốn, các đơn vị có được lợi nhuận. Đó mới là biện pháp căn cơ, thay vì cứ trăn trở lo lắng về tỷ lệ mất cân bằng của liên kết xuất bản.

Ông có thể nói thêm về Chiến lược sách quốc gia?

Hiện nay chúng ta nói rất nhiều đến “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, bàn đến “Chính phủ kiến tạo”, xây dựng “Đô thị thông minh”…, thế nhưng những khái niệm trên là gì? Cần phải đọc sách nào để hiểu được, hay biết được phải làm gì? Cần phải nghiên cứu sách nào để người dân có thể tham gia cho đúng, đóng góp hiệu quả cho những thay đổi trên? Không có, các NXB, đơn vị làm sách tự mày mò tìm kiếm, tự cố gắng làm sách mà họ cho là phù hợp. Nếu có một chiến lược sách quốc gia, chúng ta có thể tuyển chọn các đầu sách phù hợp, đầu tư để thực hiện, đầu tư để quảng bá đưa sách đến với người dân.

Không chỉ đơn thuần là làm sách, chiến lược sách còn có thể mang đến sự cân bằng cho phát hành. Như hiện nay, hệ thống phát hành sách của chúng ta rất mạnh, chuyên nghiệp với các nhà sách, phố sách đẹp, lớn và hiện đại. Thế nhưng, phần sách cho nông thôn, các vùng sâu vùng xa lại thiếu. Điều này không thể trách các nhà phát hành, vì rõ ràng sức mua ở các nơi này không cao. Chiến lược sách quốc gia có thể xem xét, hỗ trợ cho hướng phát hành này từ gốc, như đầu tư cho sách để có giá rẻ, hỗ trợ các đơn vị phát hành để đưa sách đến các vùng sâu… Tất cả những cái đó nhiều người thấy, nhưng để làm được phải có chủ trương của nhà nước, cá nhân một vài đơn vị không thể thực hiện được.

Đó là tương lai, còn trước mắt cần phải làm gì?

Theo tôi, các NXB vốn là các đơn vị dịch vụ, vậy chúng ta cứ làm tốt, nâng cao dịch vụ của mình sẽ thu hút ngày càng nhiều tác giả gửi bản thảo, làm sách được tốt hơn. Như ở NXB Trẻ hiện đang thử nghiệm mô hình “xuất bản điện tử”. Toàn bộ công tác xuất bản sẽ được quản lý bằng một phần mềm chung, muốn biết một cuốn sách đang được ai biên tập, làm đến đâu, còn bao nhiêu ngày thì xong…, chỉ cần truy cập là xong. Tác giả, người biên tập, họa sĩ trình bày có thể tương tác trực tiếp với nhau, thay vì phải gọi điện, gửi email như hiện nay, từ đó giúp cho bản thảo tốt hơn, sách sẽ hoàn thiện hơn. Làm tốt việc của mình sẽ là cách tốt nhất để đóng góp cho xã hội, ở đây là để có được ngày càng nhiều cuốn sách hay đến với những người yêu sách.

TƯỜNG VY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giam-doc-tong-bien-tap-nxb-tre-nguyen-minh-nhut-hut-tac-gia-doc-gia-bang-nang-chat-dich-vu-505309.html