Giám đốc Nhật: Ở Việt Nam, đánh rơi gì không sợ mất

Khẳng định như vậy, Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam (Hà Nội) đánh giá, Việt Nam đang cho thấy là một điểm đến đầu tư tin cậy.

Ngày 9/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến thành công và an toàn cho đầu tư”.

Là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, ông Sagara Hirohide, Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam (Hà Nội) kể lại những câu chuyện vui, cảm động về môi trường an toàn của Việt Nam khi ông này sống và làm việc tại đây.

Ông Sagara Hirohide kể: "Một lần tôi sơ ý bỏ quên ví của mình ở một quán phở, khi đi ra mua pin sạc dự phòng mới biết là mất điện thoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông chủ quán phở này đã chạy theo tôi và đưa lại chiếc ví của tôi. Có thể nói, ở Việt Nam, tôi có đánh rơi gì cũng không sợ mất".

Về cơ hội kinh doanh, ông Sagara Hirohide, nhìn nhận khi Trung Quốc gặp bất ổn, Việt Nam đang cho thấy là một điểm đến đầu tư tin cậy. Hiện nay, cả thế giới chú ý tới Việt Nam.

"Tôi nghĩ trong thời gian tới đây, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện những nhu cầu mới với cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn đưa Việt Nam sang một bước ngoặt phát triển mới. Nhật Bản cần phải đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam", ông Sagara Hirohide nhìn nhận.

Lần đầu tiên Bộ KH-ĐT tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế quy mô lớn theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Dân trí

Lần đầu tiên Bộ KH-ĐT tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế quy mô lớn theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Dân trí

Trong khi đó, ông Miura Nobufumi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

JCCI đã khảo sát nội dung: Thời gian tới, sẽ có bao nhiêu người Nhật Bản muốn di chuyển sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết quả, có tới 2.800 người muốn sang Việt Nam.

Tuy vậy, đại diện JCCI cũng bày tỏ những khó khăn mà doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh như hạ tầng chưa đảm bảo, quá trình xin cấp phép thủ tục đầu tư còn khó khăn. Các nhà đầu tư Nhật Bản kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm giải quyết được những vấn đề trên.

Đánh giá cao thành công chống dịch Covid-19 của Việt Nam, công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - Okabe Daisuke - cho rằng với năng lực quản trị rủi ro cao, Việt Nam đã gặt hái thành công trong khi nước khác đang khốn đốn vì Covid-19 thì nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng.

Việt Nam cũng cho thấy là nước đầu tiên thấy lợi thế của đa dạng hóa cung cấp. Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, coi là điểm đến đầu tư trong trạng thái bình thường mới.

Nhưng để nắm bắt cơ hội, trở thành nước mạnh mẽ hơn, phồn vinh hơn, ông Okabe Daisuke kiến nghị với Chính phủ 4 điểm.

Một là, tái mở đi lại giữa hai nước. Trong tháng 5, tháng 6 Việt Nam đã cho phép 500 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh vào Việt Nam. Chính phủ 2 nước cũng đã họp về việc tái mở lại việc đi lại, việc thúc đẩy đi lại là hết sức cần thiết.

Hai là, cải thiện thực hiện dự án đầu tư công vì không có kích thích kinh tế nào đem lại hiệu quả cao như nhanh chóng thực hiện dự án đầu tư công đã có. Việc sớm vận hành metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Nhổn - là giải pháp kích thích kinh tế rất hiệu quả.

Thứ ba là thu hút đầu tư FDI, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản cung cấp gói tín dụng 2,3 tỉ USD để thúc đẩy DN đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, Ngân hàng JIBIC cũng áp dụng gói tài chính ứng phó dịch Covid-19.

Thứ tư, cần tăng xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Việt Nam và cải thiện tình trạng chậm trễ giải ngân và ra quyết định.

Theo Bộ KH-ĐT, đến nay cả nước có 32.000 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 380 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng 2 về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 60 tỷ USD.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện mạnh mẽ, khi xếp 70/190 quốc gia về mức độ thuận lợi đầu tư theo bảng xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của WB trong giai đoạn 2019-2020.

Khảo sát của JETRO cũng cho thấy trên 63% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam có nguyện vọng mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, cao nhất khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cam kết, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên tập trung cao độ các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản như các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM và TP. Hà Nội, các tuyến cao tốc kết nối giao thông Bắc Nam, dự án năng lượng tái tạo..

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/giam-doc-nhat-o-viet-nam-danh-roi-gi-khong-so-mat-3412253/