Giám đốc lâm trường tiếp tay cho người nhà lấn chiếm đất rừng

Câu chuyện cán bộ, lãnh đạo các Ban quản lý rừng, Cty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai lấn chiếm đất rừng vẫn chưa dừng lại khi Thanh tra tỉnh đang tiếp tục thanh kiểm tra tại các đơn vị. Đã có những cán bộ bị khởi tố hình sự. Vụ việc càng “nóng” lên khi mới đây, người dân lại tiếp tục tố cáo lãnh đạo Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak (H. Kbang, Gia Lai) tiếp tay cho người nhà biến đất rừng thành đất rẫy. Thậm chí, người nhà của vị lãnh đạo này còn đe dọa người tố cáo ngay trước mặt P.V.

Một khu vực đất lâm nghiệp tại khoảnh 7, Tiểu khu 124 bị gia đình ông Dương Thanh Bình lấn chiếm làm rẫy.

Một khu vực đất lâm nghiệp tại khoảnh 7, Tiểu khu 124 bị gia đình ông Dương Thanh Bình lấn chiếm làm rẫy.

“Cha con ông tưởng tông xe chết rồi”

Ngày 8-5, chúng tôi có mặt tại khoảnh 7, Tiểu khu 124 thuộc lâm phần của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak. Xung quanh là rừng tự nhiên, ở ngay bìa rừng là một diện tích khá lớn rẫy trồng cà-phê, hồ tiêu và các loại cây ăn trái khác từ 2-3 năm nay và được đầu tư bài bản. Theo quan sát của chúng tôi, xen giữa khu vực đất rẫy này vẫn còn những cây rừng, một số gốc cây đường kính lớn bị đốn hạ rồi đốt trơ gốc. Quanh khu vực rẫy, chúng tôi bắt gặp hàng chục khúc gỗ đinh thối đã bị cưa thành từng lóng chờ vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Qua tìm hiểu hiện giá loại gỗ này khoảng 30 triệu đồng/m3.

Theo người tố cáo là ông Nguyễn Văn Minh (trú xã Đông, H. Kbang) thì mảnh đất rẫy này là của gia đình ông Dương Thanh Bình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak vào đây canh tác. Đồng thời, ông Minh khẳng định mảnh đất này là đất rừng đã bị gia đình ông Bình xâm chiếm trái phép. Cách đó không xa, ông Minh cũng chỉ cho chúng tôi mảnh đất rẫy trồng cà-phê của ông Dương Thanh Dĩnh, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Cty (em ruột ông Dương Thanh Bình). Ông Minh cho biết đã gửi đơn tố cáo đến chính quyền địa phương cùng các sở, ngành chức năng. Thậm chí còn gửi đến cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai để giải quyết thấu đáo. Bởi hiện tại khu vực đất rừng này đã bị gia đình ông Bình lấn chiếm, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nhưng vẫn chưa bị thu hồi.

Chính vì đứng ra tố cáo những sai phạm tại Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak mà gia đình ông Minh chịu nhiều áp lực, đe dọa. Khi đang có mặt tại mảnh đất rừng bị xâm chiếm để canh tác trên, ông Dương Thanh Dĩnh chạy xe máy đến buông lời đe dọa khi gặp ông Minh đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế những sai phạm tại Cty: “Ông Minh, cha con ông tưởng tông xe chết rồi chứ”! Khi chúng tôi đề cập đến hàng chục khúc gỗ đinh thối bị cưa hạ nằm ngổn ngang xung quanh rẫy này thì ông Dĩnh thờ ơ: “Chả biết gỗ gì đâu! Gỗ khô ấy mà!”. Nhưng khi chúng tôi hỏi về diện tích đất rẫy trồng cà-phê được cho là của ông Dĩnh thì ông trốn tránh trả lời và cho rằng đó là đất rẫy trồng cà-phê của một phụ nữ nào đấy!

Theo ông Nguyễn Văn Minh, không chỉ ông Dương Thanh Bình, cả vợ con, anh em họ hàng của vị Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak cũng tham gia xâu xé đất rừng. Thậm chí, việc ông Bình cùng một số cán bộ, nhân viên Cty chia nhau trồng hồ tiêu trên lâm phần của công ty...

Ông Dương Thanh Dĩnh, cán bộ quản lý bảo vệ rừng (em ruột ông Dương Thanh Bình) đến đe dọa người tố cáo.

“Vợ tôi thấy đất bỏ nên vào trồng lại”

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Thanh Bình, thừa nhận có một số sai sót và để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, hầu hết các sai phạm cụ thể đều được ông Bình đẩy cho người nhà hay cán bộ, nhân viên cấp dưới. Lý giải cho những sai phạm về quản lý đất rừng tại Cty, ông Bình nêu đủ lý do nhằm lấp liếm sự việc. Ngay cả mảnh đất rừng đã được gia đình ông trồng cây công nghiệp, cây ăn trái tại khoảnh 7, Tiểu khu 124 thì ông Bình cho rằng: “Cái này là do vợ vào canh tác. Đất đó hồi trước là đất trống, lực lượng bảo vệ rừng người ta canh tác nông nghiệp, trồng bắp, trồng mì nhưng mà rồi người ta bỏ. Thấy đất trống thì bà xã tôi không có việc làm nên mới vô đó trồng lại cây ăn quả”, ông Bình cho hay. Tuy nhiên, năm 2014 chính Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak đã rà soát, lập bản đồ kiểm kê rừng để đưa diện tích này ra khỏi lâm phần Cty, không thuộc quy hoạch 3 loại rừng mà không được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Hay như khu vực đất trồng thí điểm cây mắc-ca của H. Kbang cũng bị ông Bình và một số nhân viên của Cty chia nhau trồng hồ tiêu. Ông Bình lý giải: “Do cây mắc-ca trồng bị chết vì thiếu người chăm sóc, chúng tôi cho trồng hồ tiêu để anh em chăm sóc cả hồ tiêu lẫn mắc-ca(?!)”.

Về những sai phạm của ông Dương Thanh Bình, bà Đinh Thị Nghen, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kbang cho biết đã tiến hành kiểm tra và đã có kết luận tại Văn bản số 1058-TB/HU, ngày 10-12-2018. Theo kết luận này, những nội dung tố cáo như việc gia đình ông Bình tham gia lấn chiếm đất rừng, phát rừng tự nhiên để trồng keo lai hay chia nhau trồng hồ tiêu trên lâm phần công ty đều đúng. Theo kết luận, sai phạm tại Cty đều chủ yếu là của ông Dương Thanh Bình. Cụ thể: trong quá trình chỉ đạo tổ chức rà soát, lập bản đồ kiểm kê rừng năm 2014, Cty đã tự ý đưa 2,256ha đất lâm nghiệp ra ngoài lâm phần khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Từ đó, để cho người thân trong gia đình ông Bình (cụ thể là vợ ông Bình) lấn chiếm khoảng 1ha đất lâm nghiệp để canh tác nông nghiệp và Đội bảo vệ rừng của Cty trồng 1,256ha keo. Đồng thời, ông Bình và 1 lãnh đạo Cty khác đã tự ý ký hợp đồng giao khoán với cá nhân trồng rừng keo trên diện tích 3,226ha rừng tự nhiên theo bản đồ, trái với quy định của Nhà nước. Huyện ủy Kbang đã thi hành Quyết định kỷ luật về Đảng với hình thức khiển trách đối với ông Dương Thanh Bình.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh thì diện tích theo kết luận kiểm tra của Huyện ủy Kbang còn thấp hơn thực tế và điều quan trọng là những diện tích đất sai phạm này hiện nay vẫn chưa được xử lý. Chưa chấp nhận một số nội dung theo kết luận kiểm tra của Huyện ủy Kbang, ông Nguyễn Văn Minh đang tiếp tục gửi đơn tố cáo đến lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai, đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_206142_giam-doc-lam-truong-tiep-tay-cho-nguoi-nha-lan-chi.aspx