Giám đốc doanh nghiệp khoe ảnh 'thịt' chim quý để 'sống ảo'

Giám đốc doanh nghiệp khoe ảnh 'thịt chim quý' lên facebook cho hay, cầm 2 con chim đã vặt lông để chụp hình đưa lên mạng để 'vui và sống ảo' chứ không có ý gì.

Giám đốc doanh nghiệp khoe ảnh "thịt chim quý" lên facebook cho hay, cầm 2 con chim đã vặt lông để chụp hình đưa lên mạng để "vui và sống ảo" chứ không có ý gì.

Trả lời báo Lao Động sáng 27/11, ông Bạch Ngọc Tuấn (huyện Củ Chi, TP.HCM) xác nhận mình chính là chủ tài khoản facebook T.K- người đã đăng hình ảnh "thịt chim quý" trên mạng xã hội.

Ông Tuấn cho hay, những bức ảnh ông đăng lên facebook được chụp vào sáng ngày 25/11, khi ông đi dự tiệc cưới một người thân ở Tây Ninh.

Theo đó, trên đường đi dự tiệc, khi xe đến địa phận xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh) thì ông Tuấn thấy người dân bán nhiều loài chim này, nên đã cầm 2 con đã bị vặt lông để chụp hình đưa lên mạng, trên tinh thần là "vui và sống ảo" chứ không có ý gì.

“Theo người dân nói đây là loài chim Cao Cát, tôi cũng không rành là chim Cao Cát là thế nào và chim Phượng Hoàng như dư luận nói là thế nào. Sau khi tôi đưa hình ảnh này lên mạng xã hội, thì không hiểu sao lại lan truyền chóng mặt, nhiều người chỉ trích nặng nề đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình”, báo Lao Động dẫn lời ông Tuấn.

Hình ảnh vị giám đốc doanh nghiệp khoe ảnh "thịt chim quý". Ảnh: Tiền Phong

Hình ảnh vị giám đốc doanh nghiệp khoe ảnh "thịt chim quý". Ảnh: Tiền Phong

Liên quan đến vụ việc, trả lời báo VTC News, anh Hưng- thành viên một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, giống chim bị giết thịt trên là Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng (bộ Sả).

"Cao cát bụng trắng hay còn gọi là Cao cát phương đông là loài chim cùng họ Hồng hoàng (hay còn gọi là Phượng hoàng đất - PV), nhưng nhỏ và xấu hơn Hồng hoàng. Loài chim này có bộ lông màu đen là chủ yếu, lông dưới bụng có màu trắng, đuôi, cánh có đốm trắng, trong khi đó Hồng hoàng có lông dưới bụng màu đen", anh Hưng cho biết.

Anh Hưng cho biết, theo công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Cao cát nằm ở mục II, trong khi Hồng hoàng quý hiếm hơn thì nằm ở mục I.

Cao cát bụng trắng hiện đang sinh sống chủ yếu ở Myanmar, Thái Lan, Đông Dương và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cao cát bụng trắng có ở hầu khắp các rừng rậm rạp từ Bắc chí Nam.

Trong khi đó, theo báo Thanh Niên, ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho hay, chỉ nhìn những hình ảnh của cá thể chim đăng tải trên mạng xã hội khó có thể khẳng định là hồng hoàng hay cao cát. Vì hai loài còn phân biệt qua độ lớn và màu sắc. Theo ông Thới, nếu là chim hồng hoàng (tên khoa học là Buceros bicornis, có tên gọi khác là phượng hoàng đất) thì đây thuộc loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ. Loài này cũng nằm trong phụ lục 1 danh mục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). “Với loài chim hồng hoàng thì mọi hành vi săn bắt, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, giết mổ trái phép đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 244 bộ luật Hình sự năm 2015, với mức 5 - 10 năm tù và phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Còn cao cát, chỉ là loại chim thông thường không bị xử lý’”, ông Thới nói.

Ông Thới thông tin thêm, chim cao cát cũng thuộc họ hồng hoàng nhưng có thân hình nhỏ hơn và không thuộc loài quý hiếm, được bán khá nhiều trên thị trường. “Chim hồng hoàng có chiều cao đến 1,2 m và cân nặng lên đến 4 kg trong khi cao cát có cân nặng chỉ 1 - 1,5 kg”, ông Thới nói.

Hoàng Yên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/giam-doc-doanh-nghiep-khoe-anh-thit-chim-quy-de-song-ao-a252798.html