Giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản: Chiến lược M&A chỉ thực sự bắt đầu từ khi thương vụ đóng lại

Rất nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và châu Âu đặt vào thị trường Việt Nam được chia sẻ tại Diễn đàn M&A với chủ đề 'Thay đổi để bứt phá' diễn ra chiều nay tại TP.HCM. Nhưng các chuyên gia này cho rằng, thay vì thường chỉ nghĩ đến việc chốt giá, doanh nghiệp Việt nên nghĩ dài hơi hơn vì chiến lược M&A chỉ thực sự bắt đầu từ khi thương vụ đó đóng lại.

Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao, Recof Nhật Bản cho rằng, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào doanh nghiệp Việt ngày càng năng động hơn. Tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật phải đòi hỏi tiêu chuẩn cao về quản trị và tuân thủ, cạnh tranh từ các nhà đầu tư từ châu Á, Hàn Quốc và chính các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.

Ông thừa nhận làn sóng đầu tư các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam là ảnh hưởng từ các Hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam ký kết, như CPTPP và ảnh hưởng từ xung đột thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác. Việt Nam là tín hiệu tích cực cho Nhật Bản.

Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bất động sản, với quy mô từ lớn đều hứng thú đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, luồng vốn đầu tư từ châu Âu cũng được ông Stefano Pellegrino, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Tổng Thư ký EuroCham hoàn toàn tự tin về Hiệp định EVFTA được quốc hội hai bên phê duyệt cuối năm và sẽ được triển khai tạo làn sóng đầu tư mới từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Theo ông, doanh nghiệp châu Âu rất mạnh về tài chính, quan tâm nhiều đến lĩnh vực môi trường, Logistics, Dược, năng lượng, phân phối… Hiện các nhà đầu tư châu Âu đang có mặt tại Việt Nam cũng đang tiến hành nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi có khoảng 1.000 thành viên, họ sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam nhờ EVFTA là những điều chúng tôi rất kỳ vọng trong vài năm tới”, ông Stefano Pellegrino nói.

Tuy nhiên, ông Masahiro Kotaka, Giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản cảnh báo, khi nhắc đến M&A, các doanh nghiệp thường chỉ nghĩ đến việc chốt giá, nhưng chiến lược M&A chỉ thực sự bắt đầu từ khi thương vụ đó đóng lại.

Các công ty Nhật khi đầu tư vào M&A, họ cần nỗ lực về tạo ra cơ thể hoàn toàn mới, đặc biệt là quản trị.

Mỗi khi thực hiện một thương vụ M&A cho các nhà đầu tư Nhật, ông Masahiro Kotaka thường hỏi họ định nghĩa về thương vụ thành công ra sao? Viễn cảnh sau 3-5 năm đầu tư vào một thương vụ M&A là gì? Có đạt được tầm nhìn hay mục tiêu không?

Điều này thường được rất ít các công ty Việt Nam đặt ra, họ không hình dung được sau M&A đóng góp của giao dịch đó cho thị phần, chiến lược kinh doanh thay đổi ra sao.

“Người Nhật không muốn làm cái gì đó mơ hồ, họ quyết định dựa trên số liệu cụ thể, xem mọi mối quan hệ xung quanh, uy tín của đối tác, sau đó họ mới quyết định đến việc có đầu tư tiếp bước nữa hay không?

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-doc-dieu-hanh-kpmg-nhat-ban-chien-luoc-ma-chi-thuc-su-bat-dau-tu-khi-thuong-vu-dong-lai-d105049.html