Giám đốc Công ty Lê Thành có quyền được 'cưỡng chế' nhà dân?

Theo tìm hiểu của PV thì vấn đề mấu chốt hiện nay là các bên đang tranh chấp phần đất còn dôi dư (476m2) sau khi thỏa thuận bán 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thế nhưng, trong khi chưa có phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, ông Nghĩa đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ và nhân viên “cưỡng chế” khiến căn nhà của ông Thạch Quang và các tài sản trên đất đã bị san phẳng.

Hiện trạng khu đất và căn nhà trước khi bị san phẳng

Hiện trạng khu đất và căn nhà trước khi bị san phẳng

Có được quyền “cưỡng chế”?

Tại buổi làm việc với PV vào ngày ngày 22/5, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết: “Hai bên có thỏa thuận mua 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng số tiền là trên 54,2 tỷ đồng. Đến ngày 5/4, tôi đã thanh toán cho bên bán (2 đợt), tổng số tiền là trên 50 tỷ đồng.

Đồng thời, ông Hưng và bà Nga (chủ đất và các tài sản trên đất) cũng đã giao các giấy tờ và quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho tôi nhưng các thửa đất và nhà chuyển nhượng, hai bên thỏa thuận sẽ bàn giao vào ngày 23/4”.

Trả lời vì sao lại có chuyện ngược ngạo, người dân đang sinh sống, cư ngụ bình yên lại bị phá nhà, mất đất ông nghĩa Trình bày là chỉ cho bảo vệ đến giữ gìn máy móc, thiết bị công trường gần đó, còn nhân viên đến là để rào lại đất của mình.

“Vào chiều 14/5, tôi có rào lại khu đất để đảm bảo an ninh, chống trộm cho công trình xây dựng liền kề đang có nhiều đồ đạc, máy móc, thiết bị đắt tiền để trong công trình. Trong quá trình làm hàng rào tạm bằng lưới B40 tôn cũ, có chòi tôn đã bị tháo dỡ trước đó một phần sắp sập và có dây điện nguy hiểm, dễ xảy ra chập điện khi trời mưa, gây nguy hiểm cho con người nên các công nhân cho tháo dỡ và cắt dây điện để đảm bảo an toàn” - Ông Nghĩa thanh minh khi bị người dân tố cáo có hành vi hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp.

Hiện toàn bộ căn nhà, tài sản trên đất đã bị san phẳng

Theo tìm hiểu của PV thì vấn đề mấu chốt hiện nay là các bên đang tranh chấp phần đất còn dôi dư (476m2) sau khi thỏa thuận bán 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, trong khi chưa có phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, ông Nghĩa đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ và nhân viên “cưỡng chế” khiến căn nhà của ông Thạch Quang và các tài sản trên đất đã bị san phẳng.

“Trong khi đó, đối với phần diện tích còn lại là 476m2, trước đây thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch thì các bên đang chưa thống nhất được giá chuyển nhượng, vì ông Nghĩa trả giá quá thấp nên gia đình tôi không đồng ý bán. Hiện gia đình đang tiến hành thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi các bên đang thỏa thuận về giá đối với phần diện tích này thì bất ngờ xảy ra sự việc nêu trên” - Ông Hưng cho biết.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Ngay khi bị xâm phạm chỗ ở và hủy hoại tài sản, khoảng 15h ngày 14/05/2019 chủ sở hữu khu đất trên đã liên hệ Công an phường 16 (quận 8, TPHCM) để trình báo sự việc nhưng công an phường không trực tiếp xuống hiện trường mà tư vấn gọi sang bộ phận địa chính. Nôn nóng vì không được hỗ trợ kịp thời, rơi vào cảnh mất nhà cửa ngay trước mắt, gia đình đã gọi điện cầu cứu ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch UBND phường16.

Thật khó hiểu khi khoảng hơn 15 phút sau, ông Nam cử ông Chung - Cán bộ địa chính phường - xuống hiện trường làm việc mà không phải công an phường. Trả lời PV, ông Nam cho biết: “Khi nhận được tin báo và cử cán bộ xuống thì phía ông Nghĩa đã thực hiện xong các các công việc và rào chắn khu đất, do đó, cán bộ phường mới hướng dẫn người dân làm làm đơn và hồ sơ lên phường để giải quyết. Hiện chúng tôi đang mời các bên lên để làm việc, tuy nhiên, do đại diện phía ông ông Hưng và bà Nga đang đi nước ngoài nên chưa thể làm việc”.

Còn về tất cả những thông tin liên quan thì ông Nam nói: “Sẽ làm việc với các bên liên quan, khi có kết quả sẽ thông báo cho phóng viên”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, lLuật sư Đổng Mây Hồng Trúng (Văn phòng Luật sư Long Cường - CN Gò Vấp, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, ngày 29/12/2017, quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan công quyền.

Cụ thể: “Công an xã, phường, thị trấn…. có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm (điểm đ, khoản 1, điều 5). Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và phải phân công người tiếp nhận (Khoản 1, Điều 7)”.

Hơn nữa, Công an phường khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận (Khoản 2, Điều 7)”.

"Như vậy, việc người dân báo có sự việc tội phạm xảy ra, công an phường không tiếp nhận là không có trách nhiệm và vi phạm pháp luật. Ngày 20/5/2019, khi những người bị hại lên phường trực tiếp nộp đơn tố giác thì Công an phường 16 cho rằng không thuộc trách nhiệm của mình, và từ chối viết biên nhận là không đúng chức trách nhiệm vụ được giao” - Luật sư Trúng nhận định.

Báo sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

THANH TÙNG

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/giam-doc-cong-ty-le-thanh-co-quyen-duoc-cuong-che-nha-dan-531437.htm