Giám đốc công an các tỉnh, thành loại 1 có thể là Thiếu tướng?

Ngày 6-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Một trong các nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi là quy định số lượng và trần cấp tướng trong CAND.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn, trong điều kiện nước ta ở thời bình, hàm Tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không? Về quy định hàm Thiếu tướng có số lượng không quá 11 đối với GĐ CA hành chính tỉnh loại I, đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập với các tỉnh, TP còn lại.

“Có tỉnh, TP hiện tại là loại II nhưng tiệm cận là loại I. Sau này lên loại I thì sao? Có được phong hàm Thiếu tướng hay không? Người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh khác, như vậy sẽ không hợp lý. Cùng là GĐ CA tỉnh, TP như nhau mà có người mang hàm cấp Tướng, có người lại mang hàm cấp Tá”, đại biểu nói.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, với những cải tổ trong bộ máy ngành CA hiện nay thì việc GĐ CA tỉnh, TP có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý và cần thiết. Nhằm tạo ra những vị Tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ địa phương.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không nhất thiết quy định GĐ CA 11 tỉnh loại 1 là Thiếu tướng. Ảnh: P.Thảo

Tuy nhiên, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ và nên khảo sát xem thực tế hiện nay đang có bao nhiêu trường hợp cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đang giữ chức vụ GĐ CA các tỉnh không thuộc đơn vị hành chính loại 1. Đồng thời, cần có quy định chuyển tiếp về những trường hợp này trong điều khoản thi hành của luật.

“Mặt khác, lấy tiêu chí đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc, hàm cao nhất của GĐ CA các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là chưa sát với chức năng của lực lượng CA đang đảm nhiệm. Bởi xác định tỉnh loại 1, 2, 3 đôi khi chỉ có ý nghĩa tương đối. Loại 1 về kinh tế, dân số, diện tích chưa hẳn bao giờ cũng là loại 1 về quốc phòng an ninh và ngược lại.

Thực tế, nhiều tỉnh không được xếp đơn vị hành chính loại 1 nhưng có vị trí chiến lược về an ninh trật tự. Người đứng đầu lực lượng CA của những tỉnh này cần có cấp bậc, hàm tương đương như cấp bậc, hàm của các tỉnh xếp loại đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, không nhất thiết GĐ CA 11 tỉnh là Thiếu tướng mà tỉnh nào, chức năng, nhiệm vụ và nhiệm vụ quốc phòng an ninh quan trọng thì cần phải điều động Tướng về địa bàn đó, do Bộ trưởng Bộ Công an phân bổ, nhưng không được quá trần của Quốc hội giao cho là bao nhiêu Trung tướng và bao nhiêu Thiếu tướng.

“Khi địa phương nào được xác định là trọng điểm về an ninh quốc phòng thì lực lượng quân đội cũng được phong Thiếu tướng tương đương như GĐ CA tỉnh”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tán thành với việc quy định vị trí cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng theo hướng chỉ quy định về tiêu chí, nguyên tắc xác định số lượng vị trí và giao việc này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí, cấp bậc này.

Theo đại biểu, trong hệ thống chức vụ sĩ quan của CAND, GĐ CA tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản là cấp dưới liền kề và có thể quy hoạch bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. Do đó, tiêu chuẩn chức danh cấp bậc hàm của GĐ CA tỉnh phải đảm bảo tương quan tương đối với chức danh Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Yêu cầu đặt ra khi bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an thì cán bộ phải có thời gian đảm nhận chức vụ GĐ CA tỉnh để rèn luyện thử thách. Vì vậy nếu chức danh GĐ CA tỉnh không có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng sẽ khó khăn và không thể luân chuyển được cán bộ cấp cục đã giữ cấp bậc hàm Thiếu tướng về làm GĐ CA tỉnh.

“Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng không nên đặt vấn đề quy định cho tất cả 63 GĐ CA tỉnh, thành đều có cấp bậc hàm là Thiếu tướng. Quy định 11 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với GĐ CA tỉnh, thành loại 1 là phù hợp”, đại biểu nói.

Vì, các tỉnh này là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, mỗi năm khởi tố từ 1.000 - 3.000 vụ án hình sự và số lượng bị can từ 1.500 - 6.000 bị can. Quân số của CA tỉnh đông từ 3.500 - 6.000 cán bộ chiến sĩ và tiếp tục sẽ tăng lên khi điều chỉnh lại lực lượng. Như vậy, CA tỉnh này cần phải được quan tâm tăng cường toàn diện trong đó có cấp bậc hàm cao nhất của 11 GĐ CA tỉnh là đơn vị hành chính loại 1 Thiếu tướng là phù hợp với tính chất công việc của GĐ CA địa phương trong thời điểm hiện nay.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đồng ý với quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ GĐ CA các tỉnh, TP được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là Thiếu tướng, nhưng đề nghị Quốc hội tới đây cũng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội. Trong đó quy định về cấp bậc quân hàm của chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, TP loại I cũng là Thiếu tướng để đảm bảo tính tương đồng giữa 2 lực lượng, khẳng định công tác quốc phòng và an ninh đều quan trọng như nhau.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-doc-cong-an-cac-tinh-thanh-loai-1-co-the-la-thieu-tuong-126744.html