Giám đốc Burns hồi sinh sức mạnh của CIA trong cuộc đối đầu với Nga

VOV.VN - Thời gian qua, CIA đã bất ngờ liên tục công bố nhiều thông tin tình báo giúp các nước phương Tây xích lại gần nhau trong cuộc đối đầu với Nga trong vấn đề Ukraine. Nhân vật chính đằng sau sự thay đổi đó là một nhà ngoại giao được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan này.

Uy tín từ thuở làm ngoại giao

William J. Burns – đương kim Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), đã giành được sự tin tưởng và ủng hộ của cả tổng thống Mỹ phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa trong thời gian 32 năm phục vụ trong ngành ngoại giao. Bản thân Tổng thống Mỹ George W. Bush đã chọn riêng ông Burns cho cuộc gặp bí mật với các nhà lãnh đạo Iran. Ông Burns là một trong những nhân vật trẻ nhất được cất nhắc lên vị trí Đại sứ chuyên nghiệp, tương đương với hàm tướng 4 sao trong Lực lượng vũ trang Mỹ.

Chân dung Giám đốc CIA William Burns bên cạnh logo CIA. Ảnh: CFX Magazine.

Chân dung Giám đốc CIA William Burns bên cạnh logo CIA. Ảnh: CFX Magazine.

Khi Tổng thống Joe Biden đề cử ông Burns làm giám đốc CIA, quyết định này đã giành được sự nhất trí cao trong Thượng viện Mỹ vào tháng 3/2021.

Ông Biden đã nêu bật kỹ năng khéo léo của ông Burns trong xử lý các “vấn đề gai góc nhất”. Và hiện ông Burns đang tỏ rõ mình là một trong những lựa chọn khôn ngoan nhất của Tổng thống Biden.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Giám đốc CIA, William Burns đã sử dụng các kỹ năng nổi bật của mình, kiến thức chuyên môn tích lũy theo thời gian, tính cách xởi lởi và khả năng lắng nghe để khôi phục hợp tác tình báo và ngoại giao với các đồng minh của Mỹ trên thế giới. Ông tin rằng việc tương tác cá nhân với các vị nguyên thủ và các nhà hoạch định chính sách khác sẽ mang lại đột phá tích cực.

Bên cạnh đó, Giám đốc Burns cũng đưa CIA về sứ mệnh chủ yếu của nó, đó là thu thập tình báo về các đối thủ của Mỹ, bao gồm đối thủ toàn cầu lâu năm nhất của họ - nước Nga.

Tất cả những điều chỉnh trên của William Burns đã tỏ ra đặc biệt hữu ích đối với Mỹ trong bối cảnh Nga quyết định mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Vũ khí mới của CIA

Trong lĩnh vực tình báo, Giám đốc Burns hiện đang đối diện với nhà lãnh đạo Nga Putin – một cựu sĩ quan của cơ quan tình báo Liên Xô nổi tiếng KGB. Từ thời công tác ở Đông Đức, ông Putin đã học được kinh nghiệm về tình báo và chính trị mà phương Tây cho là đang được vận dụng vào tình hình miền Đông Ukraine hiện nay.

Trước một đối thủ đầy nội lực như Tổng thống Putin, Giám đốc CIA Burns đã tung ra một loại vũ khí mới - đó là huy động sức mạnh từ mạng xã hội.

Theo truyền thống, CIA sẽ (1) lặng lẽ thu thập thông tin mật, sau đó (2) chia sẻ các thông tin đó với các quan chức Mỹ trong diện thẩm quyền, và (3) nỗ lực bảo đảm đối phương không hề hay biết các bí mật của mình đã bị đánh cắp. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi CIA đảo ngược cả 3 điều này?

Giám đốc Burns đã gây chấn động cho những người thuộc phái chủ trương hoạt động âm thầm truyền thống khi ông quyết định bắt đầu tiết lộ những gì mà CIA nắm được.

Giám đốc Burns và chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã lựa chọn tiết lộ gần như mọi thứ họ biết về kế hoạch của Nga liên quan đến Ukraine, bắt đầu từ những bức ảnh vệ tinh đầu tiên về binh sĩ Nga tập trung dọc theo biên giới với Ukraine vào tháng 4/2021. Chưa bao giờ nước Mỹ chia sẻ nhiều thông tin và phân tích tình báo đến như vậy, với mức độ chi tiết cao, nhanh chóng và nhất quán.

Khi CIA tiết lộ với công chúng nhiều dữ liệu mật, họ đã tác động được đến công luận.

Chính sách công khai thông tin như thế này đã khiến nhiều người dân phương Tây ủng hộ Ukraine chống lại Nga. Tại Mỹ, sự ủng hộ như vậy tác động lên giới lãnh đạo, với kết quả là ngân sách cho viện trợ vũ khí và huấn luyện quân sự giúp Ukraine đã nhanh chóng được thông qua tại Quốc hội Mỹ với sự ủng hộ lớn của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Cải thiện hình ảnh CIA

Quy mô các tiết lộ của CIA là chưa từng có tiền lệ. Nó lớn đến nỗi nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ nghi ngờ các thông tin đó cho tới khi Nga công khai phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Người đứng đầu cơ quan tình báo Đức (BND) đã có mặt ở Kiev (Ukraine) vào đúng ngày Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine, khiến ông này phải rời Ukraine bằng đường bộ.

Vào lúc 8h40 ngày 24/2/2022, thế giới nhận ra rằng những gì CIA công bố trước đó là đúng.

Trong các năm qua, các thông tin tình báo của CIA không được đánh giá cao do các thất bại của họ trong việc phát hiện âm mưu tấn công khủng bố 11/9, cung cấp thông tin về Iraq và dự báo sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan.

Các cảnh báo mới của CIA đã được kiểm chứng qua thực tế và khiến các nước châu Âu lưỡng lự nhất (bao gồm Thụy Sĩ nổi tiếng về tính trung lập) cũng phải bày tỏ quan điểm trong vấn đề xung đột Ukraine.

CIA chia sẻ các bí mật đó nhằm tập hợp các lực lượng đối đầu với việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.

Nhưng các điều chỉnh này của CIA không chỉ giới hạn vào hồ sơ Ukraine. CIA còn khuấy lại các mặt trận khác có từ thời Chiến tranh Lạnh và đã ngủ yên trong thời gian dài, như vấn đề Đài Loan của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Nga giao tranh với Ukraine, Giám đốc Burns đã gia tăng số lượng nhân viên chuyên về mảng Trung Quốc, bổ sung nhiều người thạo tiếng Hán vào đội ngũ phân tích.

CIA dưới thời Giám đốc Burns còn chú ý đến bán đảo Triều Tiên và vấn đề Iran. Bên cạnh đó là đại dịch Covid-19, tình trạng bất ổn do giá lương thực và giá lương thực tăng cao trên toàn cầu, mối đe dọa đối với vai trò áp đảo của đồng đô la Mỹ (USD)…/.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/giam-doc-burns-hoi-sinh-suc-manh-cua-cia-trong-cuoc-doi-dau-voi-nga-post943134.vov