Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Người cách ly tại nhà cần làm gì?

Những người cần cách ly không nên quá lo lắng, có thể tranh thủ 2 tuần cách ly 'sống chậm' bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Chuẩn bị cách ly

Với mức lây nhiễm Covid-19 hiện nay, việc xác định những người F2, F3 vô cùng quan trọng và những người phải cách ly cần tuân thủ đúng.

Theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương hiện nay, người tiếp xúc gần với trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh (F0) và những người được cơ quan y tế khuyến cáo cần được cách ly tại nhà với thời gian 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc thì cần chuẩn bị cho việc cách ly.

Khi cách ly lý tưởng nhất, PGS Nhung cho rằng người được cách ly có phòng riêng, nếu không có phòng riêng, sắp xếp để người được cách ly nằm ở vị trí riêng, ở cuối chiều gió lưu thông trong nhà, xa cửa ra vào, cửa sổ. Phòng nên ngăn ri đô với người không phải cách ly tốt nhất 2 mét.

Phòng ở khi cách ly nên mở cửa sổ thoáng, nhiều ánh sáng. Sắp xếp các đồ sinh hoạt trong gia đình sao cho khoảng cách người cách ly và những người khác trong gia đình tối thiểu 2 mét. Cần có kết nối internet và các phương tiện liên lạc khác.

PGS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương

PGS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương

Đối với khu vực gần cửa ra vào cần có chỗ để khử khuẩn trước khi ra khu sinh hoạt chung như phòng bếp, nhà vệ sinh được thông gió tốt nhất và hạn chế tối đa đi lại trong khu sinh hoạt chung.

Đồ đạc cho phòng cách ly: nên dọn sạch đồ đạc trong phòng trước khi sử dụng cho người cần cách ly, chỉ để lại trong phòng chỉ nên tối thiểu, để hạn chế bám dính và dễ lau chùi bề mặt hàng ngày.

Ngoài ra, PGS Nhung cho biết những vật dụng cần có là cặp nhiệt độ, xà phòng, chậu giặt, thùng rác có nắp đậy, dung dịch sát khuẩn vệ sinh bồn cầu, dụng cụ lau chùi phòng ốc.

Khi không có nhà vệ sinh riêng thì cần lau chùi khử khuẩn bằng nước tẩy rửa sau khi sử dụng chung nhà vệ sinh.

Trong thời gian cách ly hai tuần, người phải cách ly nên tận dụng khoảng thời gian 2 tuần này để làm những việc mình yêu thích,hoặc đơn giản là lên kế hoạch "sống chậm". Chuẩn bị những đồ dùng, vật dụng giúp thực hiện các việc đó như sách, truyện, nhạc cụ, giấy bút, tivi, điện thoại.

Bát, đũa, thìa, cốc, nước rửa bát, khăn rửa bát riêng. Đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải thường xuyên.

Người được cách ly luôn xác định việc cách ly là bảo vệ mình, người nhà và cộng đồng, chỉ 14 ngày nhưng luôn đeo khẩu trang đặc biệt là khi không có phòng riêng, từ chối gặp gỡ bạn bè, gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp. Khi ho, khạc vào giấy và bỏ vào túi nilon đựng rác. Đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước sau khi đi vệ sinh.

Làm gì khi cách ly tại nhà

Uống nhiều nước tối thiểu là 1,5 lít một ngày, nên uống nước ấm và chia làm nhiều lần. Tăng cường các loại hoa quả, đồ ăn. Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Rửa tay, đánh răng, súc miệng với nước muối, làm sạch cơ thể tránh nhiễm khuẩn các vi trùng khác. Tập thể dục nhẹ nhàng và các hoạt động yêu thích.

Người cùng nhà không nên lo lắng

Với những người thân, người chăm sóc tốt nhất nên ngủ phòng riêng hoặc giường riêng nếu điều kiện cho phép. Các giao tiếp giữa người chăm sóc người cách ly nên diễn ra ở khoảng cách tối thiểu 1 mét khi đưa, nhận đồ dùng hoặc khay ăn, uống nên đặt ở vị trí trung tâm giữa 2 người, không đưa trực tiếp để tránh tiếp xúc tay – tay. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Theo PGS Nhung khi người thân bị cách ly, người cùng gia đình không lo lắng, không kỳ thị, không than phiền trách mắng người bị cách ly, bình tĩnh, vui vẻ, động viên quan tâm gián tiếp bằng điện thoại tin nhắn, nói chuyện gián tiếp, giữ khoảng cách ít nhất 2m với người đang cách ly.

Thực hành vệ sinh: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay đúng cách, sử dụng nhà vệ sinh riêng, hoặc vệ sinh bằng lau chùi với chất sát khuẩn bồn cầu chậu rửa nếu phải dùng chung. Thường xuyên lau nhà, đồ dùng trong nhà với nước tẩy rửa, nước Javen 0.05% hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.

Ở thời điểm này, PGS Nhung nhấn mạnh vệ sinh cá nhân, thường xuyên thể dục, ngủ đủ giấc và ăn uống đủ dinh dưỡng, vitamin để phòng bệnh vô cùng quan trọng.

Nếu người đang cách ly xuất hiện triệu chứng: Ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, đau người, ớn lạnh khó thở thì thông báo ngay với cơ quan y tế để vào viện và xét nghiệm. Các thành viên khác trong gia đình phát hiện các triệu chứng như trên cần đi khám y tế để được xử trí kịp thời:

Đi khám y tế không đi bằng các phương tiện công cộng, nếu đi bằng ô tô, mở cửa sổ cho thoáng khí. Luôn đeo khẩu trang, ho/hắt hơi vào giấy, rửa tay thường xuyên hoặc sau ho/hắt hơi ít nhất 20 giây mỗi lần. Giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người xung quanh. Mời cơ quan y tế cơ sở đến phun khử khuẩn phòng cách ly và các khu vực khác trong nhà có nguy cơ lây.

Bảo Lâm

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giam-doc-benh-vien-phoi-trung-uong-nguoi-cach-ly-tai-nha-can-lam-gi-8202014310910528.htm