Giám định tâm thần có quy trình chặt chẽ, sao vẫn để lọt?

Một đường dây làm bệnh án tâm thần cho các giang hồ vừa bị Công an TP.Hà Nội triệt phá, khiến không ít người đặt câu hỏi về quy trình giám định tâm thần hiện nay ra sao?

Công an Hà Nội vừa thông tin về việc điều tra vụ án làm bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo đó, có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần đã được làm. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.

TS.Ngô Văn Vinh – Viện trưởng viện Pháp y Tâm thần Trung ương cho biết, bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2015/TT-BYT về Quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2015.

Trong Thông tư này có nêu rõ, người giám định pháp y tâm thần là bác sĩ chuyên ngành tâm thần, đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên pháp y tâm thần hoặc là người giám định pháp y tâm thần theo vụ việc (gọi chung là giám định viên).

Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 3 giám định viên tham gia. Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh cũng như đánh giá năng lực hành vi thì có thể có 5 giám định viên tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai, có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 9 người/1 ca giám định.

Điều dưỡng quản lý, theo dõi và chăm sóc đối tượng giám định. Mỗi trường hợp giám định cần 2 điều dưỡng giúp việc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng theo TS. Vinh, căn cứ tình hình thực tế, tính chất từng vụ việc, các tổ chức pháp y tâm thần lựa chọn hình thức giám định phù hợp theo quy trình của một trong các hình thức giám định sau:

Giám định nội trú: Là giám định tại cơ sở giám định pháp y tâm thần, áp dụng đối với những trường hợp chẩn đoán bệnh và xác định năng lực hành vi của đối tượng giám định khó khăn và phức tạp.

Giám định tại phòng khám: Áp dụng đối với những trường hợp đơn giản, không khó khăn trong chẩn đoán, xác định năng lực và trách nhiệm hành vi.

Giám định tại chỗ: Áp dụng đối với những trường hợp đối tượng giám định đang bị giam giữ nếu đưa ra ngoài sẽ khó khăn và không an toàn trong công tác quản lý đối tượng giám định hoặc một số trường hợp đặc biệt không thể đưa đối tượng đến giám định tại tổ chức giám định.

Giám định trên hồ sơ (giám định vắng mặt): Hình thức này chỉ áp dụng trong trường hợp đối tượng giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Giám định bổ sung: Hình thức này áp dụng trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó hoặc theo trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung.

Giám định lại: Hình thức này được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 30, luật Giám định tư pháp. Các giám định viên tham gia giám định lần đầu không được tham gia giám định lại. Các bước trong quy trình giám định lại thực hiện theo quy trình giám định lần đầu.

Giám định lại lần thứ hai: Hình thức này được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định và do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện.

Hội đồng giám định lại lần thứ hai do Bộ trưởng bộ Y tế ra quyết định thành lập. Hội đồng giám định lại lần thứ hai gồm ít nhất 33 thành viên và tối đa là 9 thành viên. Các bước trong quy trình giám định lại lần thứ hai thực hiện theo quy trình giám định lần đầu.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng kiêm Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt.

Phải có một hội đồng chuyên môn là người có năng lực chuyên môn cao của cả bệnh viện tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng… để tăng chất lượng của chẩn đoán khi đưa ra cơ sở bệnh nhân có bị tâm thần hay không.

Có những trường hợp bệnh lý thể hiện rõ ràng chỉ cần khám và quan sát trong một ngày (tại phòng) có thể đưa ra quyết định bệnh nhân có bị tâm thần hay không.

Cách giám định này chỉ dùng cho những trường họp đơn giản. Tuy nhiên có những trường hợp phức tạp cần phải điều trị nội trú trong một thời gian nhất định, sau đó hội đồng chuyên môn cùng đưa ra kết luận.

Thông thường đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định điều trị nội trú và làm theo một quy trình rất nghiêm ngoặt.

Trước hết bệnh viện sẽ tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định. Hồ sơ phải được gửi tới bệnh viện trước để nghiên cứu, xem xét, quyết định việc tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phân công người thực hiện giám định. Sau khi, hồ sơ được tiếp nhận bệnh viện sẽ có văn bản trả lời tiếp nhận giám định hay từ chối (nếu từ chối thì sẽ có lý do).

TS. BS Hồng Thu cho hay, để giám định chính xác đối tượng, bệnh viện sẽ có một hội đồng chuyên môn để đánh giá và tham gia vào quá trình giám định của đối tượng hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định.

Bác sĩ Thu nêu thêm, sau khi theo dõi bệnh nhân 1 tháng cùng với những kết quả khám lâm sàng, cận lâm sáng hội đồng chuyên môn sẽ họp để cùng ngay đưa ra quyết định. Quy trình giám định thực hiện rất chân thực và khách quan đều có bệnh án rõ ràng. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ phải chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật.

Liên quan đến đường dây làm bệnh án tâm thần cho các đối tượng cộm cán vừa bị Công an TP.Hà Nội triệt phá, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay: “Qua quá trình điều tra, nếu phát hiện ai sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm”.

Nguyễn Huệ

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/giam-dinh-tam-than-co-quy-trinh-chat-che-sao-van-de-lot