Giảm 'đỉnh' ô nhiễm không khí ở đô thị: Không thể ngồi đợi… trời mưa

Tại Hội thảo khoa học 'Cải thiện chất lượng không khí-cập nhật nghiên cứu và giải pháp ở Việt Nam' mới đây, giới chuyên gia kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần hành động sớm để giảm ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí ở miền Bắc có xu hướng tăng lên từ tháng Chín. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ô nhiễm không khí ở miền Bắc có xu hướng tăng lên từ tháng Chín. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo đánh giá của giới chuyên gia môi trường, trong 10 năm qua, diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội vẫn không được cải thiện.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, chất lượng không khí thường xuyên ở trong các ngưỡng cảnh báo ô nhiễm “đỏ, tím, nâu” (ngưỡng ô nhiễm xấu, rất xấu, nguy hại), ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng cần hành động sớm để hạn chế ô nhiễm, không thể ngồi đợi… trời mưa.

Không khí “xấu” vào cuối năm

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết qua kết quả quan trắc của đơn vị cho thấy từ năm 2018 đến nay, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn trên cả nước có chiều hướng suy giảm.

Trong các đô thị thường xuyên ô nhiễm không khí, Hà Nội là thành phố được nhắc tới nhiều nhất. Điều này đã được Phó giáo sư tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh khi đưa ra dẫn chứng rằng diễn biến chất lượng không khí ở Thủ đô từ năm 2000-2020 không được cải thiện.

Theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi PM10 (các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 µm tới 10µm) hầu hết vượt nồng độ trung bình ngày của Quy chuẩn Việt Nam vào mùa khô; nồng độ bụi PM 2.5 (các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm) vượt nồng độ trung bình năm của Quy chuẩn Việt Nam.

Đáng nói là, nồng độ bụi, đặc biệt là bụi PM2.5 và bụi PM0.1 (bụi nano) cao hơn nhiều do với nhiều khu vực khác trên thế giới. Ngoài ra, khí Nitơ điôxít (NO2) tiệm cận hoặc vượt nồng độ trung bình năm của Quy chuẩn Việt Nam ở khu vực nội thành. Ozone (O3) cũng có dấu hiệu vượt ngưỡng trung bình giờ của Quy chuẩn Việt Nam. Ví dụ, năm 2013, ở trạm Nguyễn Văn Cừ, vượt 11,1%.

Kết quả nghiên cứu xác định nguồn phát thải ở Hà Nội do Ngân hàng Thế giới thực hiện từ tháng 8/2019 đến nay cũng cho thấy trong các tháng 8-9, do nhiều mưa nên bụi PM2.5 ít hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tăng cao trong các tháng 12 đến tháng Một. Nguyên nhân có thể từ hoạt động đốt rơm rạ hoặc đốt sinh khối...

Ngoài ra, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới còn phát hiện có chì và kẽm vượt trên giới hạn cho phép vào một số ngày tại trạm giao thông. Nồng độ chì cao ở những nơi này cho thấy có việc sử dụng xăng có chì, nồng độ kẽm cao có thể do sự tái phát thải của đất, bụi đường cùng các nguồn khác như nguồn công nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ việc chạy mô hình PMF kết hợp với số liệu từ các trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho rằng có 6 nguồn thải có thể tính tới, đó là nguồn thứ cấp/di chuyển từ xa về; công nghiệp/năng lượng; đốt sinh khối; bụi đất; bụi do giao thông kéo theo; công nghiệp/đốt rác/làng nghề.

Chưa có biện pháp quyết liệt

Với vai trò là Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng khẳng định những năm gần đây vấn đề ô nhiễm không khí được quan tâm nhiều hơn, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, biến đổi khí hậu.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ôtô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất... nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm.

Vì thế, ông Tùng đưa ra khuyến nghị để giảm thiểu ô nhiễm thì chúng ta cần phải kiểm soát các nguồn ô nhiễm. "Ví dụ, đối với khí thải từ các phương tiện giao thông, chúng ta nên kiểm soát nguồn khí thải từ các phương tiện xe máy," ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, các địa phương có những chính sách kinh tế để khuyến khích người dân tham gia, đầu tư vào hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch; nghiên cứu việc thiết lập những “vùng phát thải thấp” là tuyến phố hoặc một khu ít phát thải và chỉ những phương tiện đáp ứng được các tiêu chuẩn mới được sử dụng.

Cùng với đô thị, các địa phương cũng phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của các làng nghề; cần thanh tra, kiểm tra, có những biện pháp để hạn chế, yêu cầu phải lắp đặt thiết bị xử lý trước khi xả thải ra môi trường; đặc biệt là quyết liệt trong việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Để thực hiện được các giải pháp trên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, theo Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng Kế hoạch quản lý không khí; trong đó việc kiểm kê khí thải là vô cùng quan trọng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Theguardian)

Các địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, xử phạt và công bố, công khai tất cả những thông tin, dữ liệu nguồn thải của các cơ sở sản xuất để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Bằng việc công khai các kết quả quan trắc, người dân cũng có thể tham gia vào việc giám sát các cơ sở sản xuất cùng với chính quyền.

Cần xác định các chất ô nhiễm dạng khí

Đưa ra giải pháp, Phó giáo sư tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho rằng cơ quan chuyên môn cần xác định các nguồn chính phát thải các chất ô nhiễm dạng khí, kể cả bụi với chương trình dài hạn hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng dự báo chất lượng không khí, kết hợp với dự báo khí tượng để chủ động đối phó với các kịch bản ô nhiễm không khí; công khai số liệu của các trạm quan trắc chất lượng không khí; xây dựng bộ số phát thải quốc gia cho các nguồn thải chính.

Riêng đối với giao thông, ông Dũng kiến nghị cần quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông hợp lý, thay đổi thói quen đi lại của người dân như sử dụng phương tiện công cộng, quản lý giờ cao điểm. Việc kiểm soát nguồn thải có thể được thực hiện qua việc kiểm soát động cơ, chuyển đổi nhiên liệu, kiểm soát khí thải.

Giáo sư tiến sỹ Hoàng Xuân Cơ, Đại học Khoa học Tự nhiên cũng nêu một loạt sáng kiến như về mặt pháp luật như nghiên cứu xây dựng thực thi đạo luật không khí sạch; thành lập cơ quan chuyên trách về chất lượng không khí; kiểm soát nguồn thải theo ngành chủ quản, địa phương phụ trách; xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc chất lượng không khí xung quanh và trong nhà../.

Tổng cục Môi trường dự báo theo quy luật hàng năm, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc, bắt đầu từ tháng 9, các thông số ô nhiễm trong không khí đặc biệt là bụi mịn PM2.5 sẽ có xu hướng tăng lên. Các đợt ô nhiễm không khí nặng cũng có thể diễn ra, chính vì vậy, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong thời gian tiếp theo.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giam-dinh-o-nhiem-khong-khi-o-do-thi-khong-the-ngoi-doi-troi-mua/661991.vnp