Giảm điều kiện kinh doanh: 'Cắt đầu này mọc đầu khác'

Việc cắt, giảm điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian qua được đánh giá là đạt chất lượng thấp, chỉ khoảng 30% là thực sự có tác động tích cực tới môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quá nhiều loại giấy phép khi đăng ký kinh doanh

Sáng nay Hội thảo Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đã đề ra trong các Nghị quyết 83/NQ-CP, Nghị quyết 98/NQ-CP, Nghị quyết 01/2018, Nghị quyết 19/2018 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung.

Các nghị quyết ở từng giai đoạn đã nêu rõ, các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ phải chủ động đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, không phù hợp. Sau đó, tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tính từ nghị quyết đầu tiên ngày 31/8/2017 của Chính phủ yêu cầu các bộ ngành chủ động đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết cho đến tháng 6/2018 là thời hạn mà Chính phủ đặt ra cho các bộ phải hoàn thành, tính ra tỷ lệ cắt giảm, bãi bỏ được khoảng 50% trong tổng số 5703 điều kiện kinh doanh trước khi cắt giảm của 16 Bộ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì thực tế tỷ lệ cắt giảm, bãi bỏ không đạt được con số số đó. Bởi không ít điều kiện kinh doanh được bãi bỏ chỉ theo hình thức chuyển từ “dạng này sang dạng khác”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dẫn chứng, có những điều kiện kinh doanh về hình thức là được bãi bỏ nhưng nội dung bãi bỏ đó lại lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) hay tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Hoặc chỉ thay đổi về mặt diễn đạt câu chữ. Thậm chí là cắt giảm số lượng điều kiện nhưng lại đẩy hồ sơ lên nhiều hơn trong mỗi điều kiện. “Có những điều kiện kinh doanh được sửa đổi song việc sửa đổi đó chỉ mang mục đích tránh gây sự chú ý chứ hoàn toàn thực chất không có sự thay đổi hoặc bãi bỏ nào., bà Thảo nói.

Bà Thảo dẫn chứng cụ thể như điều 6 về Điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trong Nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định: “Người quản lý, điều hành… có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp”. Sau khi sửa đổi là: “Người trực tiếp quản lý, điều hành… có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật”. Như vậy về cơ bản giữa nội dung trước và sau khi điều chỉnh không có gì khác nhau.

Dẫn chứng thêm cho vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Trung Hiếu cho rằng có những điều kiện kinh doanh sau khi thay đổi còn phức tạp, dài dòng hơn, làm khó doanh nghiệp hơn so với điều kiện khi chưa sửa đổi. Như Nghị định về điều kiện để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam.

Doanh nghiệp còn chịu nhiều phiền toái khi đi đăng ký kinh doanh

Nếu khi chưa sửa đổi Nghị định 23/2007 quy định về vấn đề này có 1 quy định duy nhất với 5 điều kiện (hồ sơ) doanh nghiệp phải thực hiện thì sau khi thay đổi chính là Nghị định thay thế 09/2018 thì tăng lên tới 4 quy định với 12 điều kiện, chưa kể ở mỗi điều kiện còn có những nội dung chi tiết nữa mà doanh nghiệp phải hoàn thiện trong hồ sơ.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Trung Hiếu đặt câu hỏi: “Thực sự tôi không hiểu trường hợp này gọi là gì, sửa đổi để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hay làm khó họ hơn!”.

Với hình thức cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh như vậy nên theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, thực chất tỷ lệ điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, chỉnh sửa, tạo thuận doanh nghiệp chỉ đạt 30% thay vì 50% như số lượng đã tính. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung khẳng định chỉ khoảng 1/3 trong số đó là thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh. Còn lại 2/3 vẫn là hình thức, không thay đổi một cách thực chất. “Nhưng tôi muốn nói thêm, trong số 1/3 điều kiện kinh doanh thay đổi thực chất mà tôi vừa nói thì số cắt giảm , bãi bỏ cũng không nhiều mà chỉ cắt giảm về thời gian, số lượng hồ sơ, thay đổi về yêu cầu, tài sản, chất lượng của nhận sự... ”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Khảo sát tại 5 Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra bảng phân tích những điều kiện kinh doanh cắt bỏ và sửa đổi thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đạt được tỷ lệ chưa cao.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu có 80 điều kiện kinh doanh được cắt và sửa thì tỷ lệ những điều kiện kinh doanh được ghi nhận thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chỉ được 6,7%. Bộ Xây dựng có 158 điều kiện kinh doanh được cắt, sửa nhưng chỉ được 22,3% điều kiện kinh doanh cắt sửa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp…

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, điều kiện kinh doanh hiện nay mặc dù đã cắt bỏ, thay đổi với thực tế thiếu chất lượng như vậy, nên tới đây tiếp tục phải thay đổi và cắt bỏ tiếp.

Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh để cắt giảm, bãi bỏ, thay đổi điều kiện kinh doanh một cách hiệu quả, thực sự có chất lượng thì vai trò của người đứng đầu ngành rất quan trọng. Vì với những thay đổi trong thời gian qua, có thể thấy nếu người đứng đầu ngành thực sự quan tâm, chỉ đạo và có nhạy cảm, nhạy bén với khó khăn của doanh nghiệp thì tỷ lệ thực chất đạt được trong cắt bỏ, cắt giảm điều kiện kinh doanh… sẽ cao hơn.

TÚ ANH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/giam-dieu-kien-kinh-doanh-cat-dau-nay-moc-dau-khac-17929.html