Giảm dân nội đô Hà Nội: Cho tiền hay bù diện tích?

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 khu vực nội đô sẽ giảm xuống còn 80 vạn người, nhưng làm thế nào để thực hiện được mục tiêu này?

Dân số nội đô lịch sử Hà Nội hiện khoảng 1,4 triệu người và TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đã nhắc lại chủ trương giảm dân số nội đô xuống còn 80 vạn dân của Hà Nội. Thế nhưng, câu hỏi được ông đặt ra là, 60 vạn dân sẽ đi đâu?

Trao đổi trên tạp chí Nhà Đầu tư, TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: "Nhật Bản có chính sách ông nào ra khỏi nội đô thì cho 1 triệu yên. Các nước khác như Trung Quốc cũng có chính sách bù thêm diện tích. Vậy Hà Nội với 5 đô thị vệ tinh sẽ giải quyết được bao nhiêu đây? 1,4 triệu dân, ta có chính sách nào? Chả có chính sách nào cả”.

Hà Nội đặt mục tiêu giảm dân số nội đô xuống còn 80 vạn người vào năm 2030. Ảnh minh họa

Hà Nội đặt mục tiêu giảm dân số nội đô xuống còn 80 vạn người vào năm 2030. Ảnh minh họa

Theo ông Nghiêm, để Hà Nội phát triển bền vững, không thể điều chỉnh dân số sau quy hoạch chung được. “Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt vấn đề điều chỉnh tổng dân số mà nên xem lại cơ cấu dân số”.

Trước đó, cũng bàn về chủ đề này, trả lời trên báo chí, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội muốn giảm gia tăng dân số cơ học cũng không nên thực hiện phương án “cưỡng bức” di dân, đặc biệt trong khu phố cổ.

Mặt khác, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra khỏi thành phố thì người dân sẽ tự nguyện di dời. Chính sách ưu đãi có thể là ưu đãi về giá đất, về quyền lựa chọn khu vực thích hợp với người dân. Khu vực di dời cũng không chỉ giải quyết về chỗ ở mà còn phải để tâm đến việc tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Theo ông, việc quy hoạch khu phố cổ đã được đặt ra từ năm 1996, đến 2001 nhưng đến nay việc thực hiện chưa được như kỳ vọng bởi khu phố cổ dù chật chội nhưng giúp người dân có được nguồn thu nhập cao, ổn định.

“Do đó, tôi cho rằng, để người dân có thể tự nguyện di dời thì nơi ở mới phải tạo ra thu nhập, tạo điều kiện để người dân được kinh doanh buôn bán, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông”, ông Nghiêm đề xuất.

Từng có ý kiến đề xuất để giảm dân số nội đô Hà Nội thì nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội chỉ được bán cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án và tốt nhất là dành phục vụ di dân phố cổ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này vi phạm quyền tự do cư trú của người dân đã được quy định trong Luật Cư trú.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/khong-gian-song/giam-dan-noi-do-ha-noi-cho-tien-hay-bu-dien-tich-3373997/