Giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý thuế

Việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế.

Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư hướng dẫn áp dụng “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” (APA) trong quản lý thuế. Theo quy định tại Luật Quản lý thuế sửa đổi, APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế (NNT) hoặc giữa cơ quan thuế với NNT và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần (hiệp định thuế) và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường.

Áp dụng cơ chế APA người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Áp dụng cơ chế APA người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Về nguyên tắc áp dụng APA, dự thảo thông tư cho biết, APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và NNT (là đối tượng áp dụng của APA) hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế là đối tác ký kết hiệp định thuế và NNT cùng hợp tác trao đổi, đàm phán về việc áp dụng các quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA trên cơ sở áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập.

Đặc biệt, việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết của NNT phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế TNDN phải nộp của NNT như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập và ngăn ngừa việc đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá của giao dịch liên kết. Trong thời gian đàm phán APA, NNT thực hiện khai, nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, APA được thực hiện trên cơ sở đề nghị áp dụng APA chính thức của NNT cùng với các hồ sơ, tài liệu, thông tin cần thiết do NNT cung cấp đầy đủ, chính xác theo quy định tại khoản 3 điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Việc phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp được sử dụng để so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng của APA được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ. Việc lựa chọn phương pháp xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng APA căn cứ vào bản chất và phương pháp tính hơn là tên gọi của phương pháp.

Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực

Về quyền lợi và nghĩa vụ của NNT, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính quy định: NNT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin, dữ liệu cho cơ quan thuế trong quá trình tham vấn (nếu có), nộp hồ sơ chính thức, thẩm định, đàm phán, ký kết, thực hiện APA cũng như trong quá trình giải quyết đề nghị gia hạn, sửa đổi APA theo quy định tại điều 97 Luật Quản lý thuế. NNT chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của những thông tin này.

Đồng thời, NNT có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ, chứng từ liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện APA và cung cấp cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. NNT có trách nhiệm lập và nộp các báo cáo thường niên cho từng năm tính thuế và báo cáo đột xuất cho giai đoạn hiệu lực của APA đã ký kết theo quy định tại khoản 7 Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.

NNT có hành vi vi phạm hành chính về thuế trong quá trình thực hiện APA đã ký sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định hiện hành.

Trong thời gian thực hiện APA, NNT thực hiện việc điều chỉnh thu nhập chịu thuế phù hợp với mức giá hoặc tỷ suất lợi nhuận đã được quy định tại APA để thực hiện khai nộp thuế TNDN theo quy định.

Trường hợp trong khi thực hiện APA đơn phương nếu có phát sinh việc đánh thuế trùng hoặc có sự điều chỉnh về thu nhập chịu thuế dẫn đến bất lợi cho NNT xuất phát từ quyết định của cơ quan thuế đối tác, NNT có quyền đề nghị nhà chức trách có thẩm quyền của cơ quan thuế thực hiện thủ tục thỏa thuận song phương theo hiệp định thuế để giải quyết bất lợi này.

Đối với cơ quan thuế, dự thảo thông tư quy định, cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát việc thực hiện APA của NNT theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Cụ thể, xác định thực tế việc chấp hành các quy định tại APA đã ký (bao gồm cả phương pháp xác định giá giao dịch liên kết); kiểm tra việc khai, nộp thuế và điều chỉnh thu nhập chịu thuế theo các quy định tại APA; kiểm tra, xác định thông tin báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất do NNT báo cáo phù hợp với thực tế phát sinh.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc giám sát của cơ quan thuế không nhằm mục đích đánh giá hoặc thẩm định lại APA đã ký kết./.

Cơ chế APA cầu nối để Việt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, về lâu dài, việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết vì đây là xu thế chung mà các cơ quan thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới; đồng thời xét về nguyên tắc cơ chế này sẽ mang lại lợi ích cho cả NNT; là cầu nối để Vệt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới.

Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của NNT, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế. Tuy nhiên do đây vẫn là một cơ chế thuế mới, Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên cần thiết phải tiếp tục củng cố khung pháp lý phù hợp, có lộ trình thực hiện để hạn chế các rủi ro về số thu do việc APA được xác lập trên cơ sở các thông tin dự kiến, kế hoạch của NNT và các thông tin từ các nguồn dữ liệu khó kiểm chứng.

Bên cạnh đó, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của NNT và quy định hiện hành chưa đưa ra được các nguyên tắc, giới hạn cần thiết cho phép cơ quan thuế có thể sàng lọc, lựa chọn các trường hợp phù hợp để giải quyết, tương xứng với nguồn lực của cơ quan thuế cũng như đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình này là nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2021-03-31/giam-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thue-101802.aspx