Giảm chất lượng cuộc sống do thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là một bệnh lý mãn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa do tính chất công việc phải ngồi lâu bên máy vi tính như nhân viên văn phòng… Bệnh nếu để lâu sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể.

Nguyên nhân và biểu hiện

Thoái hóa cột sống cổ thường do quá trình lão hóa của các tổ chức sụn, tế bào và các tổ chức khớp và quanh khớp như cơ cạnh sống, dây chằng… Ngoài ra còn do tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.

Thoái hóa cột sống cổ thường có biểu hiện, đầu tiên là đau và co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ, đau tăng khi giữ cổ ở tư thế thẳng hoặc cúi đầu kéo dài, khi căng thẳng, thời tiết thay đổi đặc biệt là nhiễm lạnh, ấn cột sống cổ sẽ có điểm đau, hạn chế vận động cột sống cổ.

Đau từ cổ có thể lan xuống vai, tay, hay lên vùng gáy, đau có thể kèm theo cảm giác chóng mặt, cảm giác kiến bò, tê rần cánh tay, bàn tay, một số trường hợp nặng có thể gây yếu cơ, teo cơ. Nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán, hai hố mắt thường xuất hiện vào buổi sáng, có thể kèm theo chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt. Trong những trường hợp bệnh nặng có chèn ép tủy, bệnh nhân có biểu hiện dáng đi không vững, đi lại khó khăn, yếu hay liệt ở tay và hoặc chân, tiêu tiểu không tự chủ…

BS.CKI Thái Bảo Cường, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM

BS.CKI Thái Bảo Cường, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM

Ảnh hưởng của thoái hóa cột sống cổ sẽ gây khó chịu cho người bệnh, tính tình thay đổi dễ cáu gắt, dễ stress dẫn đến hiệu quả công việc giảm, đau nhiều dẫn đến mất ngủ, chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể. Một số trường hợp nặng chèn ép thần kinh nhiều, chèn ép tủy cổ nếu không điều trị phù hợp dẫn đến teo cơ, liệt.

Khi thấy có những biểu hiện của bệnh thoái hóa cột sống cổ, người bệnh cần đến bệnh viện khám và thực hiện những xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể, XQ cột sống cổ giúp đánh giá tình trạng cột sống cổ, phát hiện những tổn thương tại cột sống cổ như mất đường cong sinh lý, gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp... giúp loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau cổ như khối u, nhiễm trùng, gãy xương.

Bên cạnh đó, có thể MRI cột sống cổ khi nghi ngờ có bất thường về đĩa đệm cột sống cổ, giúp đánh giá chiều cao đĩa đệm, vị trí và chất lượng đĩa đệm. Hoặc điện cơ khi có biểu hiện chèn ép thần kinh, giúp phát hiện các tổn thương nguồn gốc thần kinh và phân biệt với các bệnh lý khác.

Điều trị và dự phòng

Khi được xác định bị thoái hóa cột sống cổ, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc tránh các tư thế không tốt cho cột sống cổ, hạn chế ngồi lâu bên máy vi tính, giữ cổ lâu ở một tư thế, khiêng vác nặng… Các trường hợp đau cấp, đau nhiều người bệnh cần được nghỉ ngơi và mang nẹp cổ mềm. Tập vận động cột sống cổ thích hợp.

Với phương pháp y học cổ truyền người bệnh sẽ được dùng thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm. Sử dụng vật lý trị liệu bằng sóng ngắn, kích thích điện, điện từ trường, siêu âm điều trị, kéo dãn cột sống cổ. Sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau, giảm đau thần kinh, thuốc dãn cơ, glucosamine sulfate, chondroitin sulfate. Tiêm glucocorticoid cạnh cột sống, phương pháp này cần bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Khi có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển gây yếu liệt, teo cơ, chèn ép tủy cổ, trượt đốt sống độ 3-4 cần phải can thiệp phẫu thuật.

Để phòng bệnh thoái hóa cột sống cổ mọi người nên thực hiện một số lời khuyên, như cần có chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý, không giữ cổ lâu ở một tư thế, khiêng vác nặng. Đối với những người phải ngồi lâu làm việc bên máy vi tính, giữ cổ lâu ở một tư thế cần có tư thế ngồi đúng, nên mỗi 30 phút thay đổi tư thế một lần. Tập luyện thường xuyên những bài tập giúp ổn định cột sống cổ. Khi có biểu hiện đau vùng cổ gáy, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

BS.CKI Thái Bảo Cường, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/giam-chat-luong-cuoc-song-do-thoai-hoa-cot-song-co-82783.html