Giảm cam kết JCPOA: Mỹ ngạo ngược và cái lý của Iran

Iran không dùng hạt nhân để đe dọa đối phương, họ chỉ dựa vào các cam kết đã có để yêu cầu trách nhiệm từ các bên liên quan.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 3/7 đã đưa ra một loạt các tuyên bố đáng chú ý liên quan đến các hành động tiếp theo của quốc gia này xung quanh thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã có từ năm 2015 với nhóm P5+1.

Đầu tiên, Tổng thống Rouhani cho biết Iran sẽ tăng tỉ lệ làm giàu uranium vượt quá mức 3,67% được nêu ra trong thỏa thuận JCPOA.

"Từ ngày 7/7 tới, chúng tôi sẽ ngừng thực hiện những cam kết của mình bằng việc gia tăng tỉ lệ làm giàu uranium và chúng tôi sẽ đẩy lên bất kỳ mức độ nào mà mình mong muốn tùy thuộc vào tình hình" - Tổng thống Iran nhấn mạnh.

Giới chức Iran gọi đây là giai đoạn 2 của quá trình ngừng thực hiện các cam kết trong JCPOA. Trong khi đó, giai đoạn một đã diễn ra từ cuối tuần trước khi Iran làm giàu uranium vượt quá mức 300kg, vừa chạm ngưỡng giới hạn tối đa được nêu trong thỏa thuận.

Tuy nhiên, Tổng thống Iran cũng không quên đưa ra cam kết của mình: "Các bên trong P5+1 đã có thỏa thuận với chúng tôi, nhưng những thỏa thuận đó không được thực hiện. Chúng tôi buộc phải thay đổi để phù hợp với sự không thích đáng của đối phương. Tuy nhiên, mọi hành động giảm trách nhiệm từ phía Iran có thể đảo ngược trong vòng một giờ đồng hồ, nếu các bên ký kết khẳng định trách nhiệm và cam kết của mình".

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông tin về JCPOA hôm 3/7

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông tin về JCPOA hôm 3/7

Như vậy, các động thái của Iran có thể được xem như có chừng mực và biết tiết chế. Cách đây 2 tháng, họ đã đưa ra một lời cảnh báo: nếu Đức, Pháp và các nước châu Âu không thực hiện INSTEX (thỏa thuận giúp Iran chống trừng phạt Mỹ), Tehran sẽ cắt giảm các trách nhiệm trong JCPOA.

Kết thúc thời hạn 60 ngày cảnh báo, Iran thực hiện giai đoạn một, bước đi đầu tiên để khẳng định rằng họ không nói chơi. Và đến thời điểm hiện tại, Iran tiếp tục đưa ra lời cảnh báo thứ hai, nhưng giới hạn chỉ là 3 ngày, tính đến ngày 7/7.

Iran cho thấy họ có đủ công nghệ liên quan đến khả năng tạo nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân. Nhưng họ đã không sử dụng trong suốt 4 năm qua kể từ khi JCPOA được ký kết. Điều này đồng nghĩa với việc Tehran là bên rất biết tôn trọng thỏa thuận.

Cần nhớ rằng Mỹ là bên phá hỏng JCPOA trước. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Tổng thống Mỹ xóa bỏ thỏa thuận chỉ bằng một chữ ký và không tính đến hậu quả. Tiếp đó, họ tự điều động binh lính và vẽ ra một loạt cáo buộc mơ hồ về "mối nguy hiểm Iran".

Hành xử này của ông Trump không có gì lạ bởi Mỹ đã từng hủy bỏ hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung INF với Nga hồi tháng 2/2019. Một tháng sau, tháng 3/2019, Nga mới tuyên bố hủy bỏ các trách nhiệm trong INF. Khi đó, Tổng thống Putin khẳng định "không cần phải tuân thủ các cam kết mà đối phương đã không tôn trọng".

Tương tự, trong tình huống của JCPOA, Iran đã khẳng định trách nhiệm thuộc về những bên phá hoại thỏa thuận, và họ chỉ là nạn nhân và buộc phải đối phó.

Đối với EU, bạn thân EU không chấp nhận được những lý lẽ ấy. Thậm chí, các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ, vốn coi Iran là cái gai trong mắt, cũng không thể nghe theo, như trường hợp của UAE.

Với động thái mới này, Iran đang chờ câu trả lời từ EU. EU sẽ buộc phải chọn: hoặc hành động để bảo vệ JCPOA, bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình đồng nghĩa đối đầu với sự độc đoán của Mỹ. Hoặc EU phải chấp nhận cam chịu và tự biến mình thành kẻ bất tín và tự làm giảm đi lợi ích của mình.

Như nhiều năm nay, Mỹ lại đẩy EU vào thế khó, phải lựa chọn giữa lợi ích nước Mỹ trên hết hay lợi ích EU trên hết. Không ngạc nhiên nếu EU và Mỹ sẽ càng thêm mâu thuẫn.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/giam-cam-ket-jcpoa-my-ngao-nguoc-va-cai-ly-cua-iran-3383116/