Giảm bón đạm cho lúa để tăng chất lượng gạo

Bón phân đạm cho lúa với số lượng quá nhiều sẽ giảm năng suất lúa, chất lượng hạt gạo, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ruộng lúa. Do vậy, các nhà khoa học đã phối hợp với một số nhà nông thực nghiệm trên một số diện lúa để xác định lượng phân đạm bón hợp lý. Xuân Hoàng

(Baonghean) - Bón phân đạm cho lúa với số lượng quá nhiều sẽ giảm năng suất lúa, chất lượng hạt gạo, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ruộng lúa. Do vậy, các nhà khoa học đã phối hợp với một số nhà nông thực nghiệm trên một số diện lúa để xác định lượng phân đạm bón hợp lý.

Một thực tế cho thấy, bà con nông dân lâu nay thường sử dụng quá nhiều lượng phân đạm urê cho lúa, khiến cây lúa mọc um tùm, thiếu ánh sáng dẫn đến sâu bệnh tấn công, cây dễ bị đổ ngã vào giai đoạn trổ bông và hình thành hạt.

Do vậy, nông dân phải mất thêm chi phí về công lao động và thuốc BVTV để phòng trừ. Khi lúa bị đổ, làm giảm năng suất và tăng tỷ lệ hạt lép, chất lượng gạo kém, giá bán thấp, lợi nhuận giảm.

Thừa đạm còn gây ô nhiễm môi trường do lượng nitrat chảy vào trong nguồn nước. Bón lượng đạm cho lúa bao nhiêu là đủ, đang được các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt quan tâm, nhằm giảm chi phí đầu tư, cho năng suất lúa cao hơn.

Bà con nông dân xã Phúc Thành (Yên Thành) bón lót phân đạm trước khi cấy lúa.

Bà con nông dân xã Phúc Thành (Yên Thành) bón lót phân đạm trước khi cấy lúa.

Gia đình ông Nguyễn Quang Tùng - nông dân xóm 8, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) một trong những hộ có ruộng thực hiện mô hình thực nghiệm “Xác định lượng phân đạm bón hợp lý cho cây lúa” cho biết: Với 1 sào ruộng lúa, vụ hè thu vừa rồi, gia đình bón 5 tạ phân chuồng, 7,25 kg đạm urê, 20 kg lân, 6 kg kali và 25 kg vôi bột (đối với lúa lai) và 5 tạ phân chuồng, 6,25 kg phân đạm urê, 20 kg lân, 5 kg kali và 25 kg vôi bột (đối với lúa thuần). Trong quá trình chăm sóc cho thấy, do lượng đạm bón ít, lượng phân chuồng, phân lân và kali bón đảm bảo và cân đối nên cây lúa cứng, không bị đổ, kể cả khi bị ảnh hưởng của một số cơn bão vừa qua. Lúa ít sâu bệnh, tỷ lệ dảnh hữu hiệu, hạt chắc cao. Năng suất lúa lai đạt 299 kg/sào, lúa thuần đạt 304 kg/sào.

Trong khi đó, diện tích lúa không thực hiện theo mô hình thì năng suất lúa lai chỉ đạt 282 kg/sào, lúa thuần 280 kg/sào. Theo ông Tùng, các ngành nên tiếp tục thực hiện 1 - 2 vụ tiếp theo để khẳng định tính hiệu quả, đồng thời tuyên truyền, thuyết phục bà con nông dân áp dụng.

Huyện Yên Thành là vựa lúa của cả tỉnh, với trên 12.000 ha đất sản xuất lúa 2 vụ/năm. Mỗi năm bà con nông dân ở đây sử dụng hàng nghìn tấn phân đạm để bón cho cây lúa. Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tình trạng bà con nông dân sử dụng lượng phân đạm quá nhiều để bón cho cây lúa vẫn còn nhiều tại một số địa phương, dẫn đến cây lúa bị xanh lốp, tỷ lệ hạt lép nhiều, năng suất lúa đạt thấp, chất lượng hạt gạo không cao.

Do vậy, để bà con nắm được lượng phân đạm bón cho lúa bao nhiêu là đủ là rất cần thiết, giúp bà con giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lúa. Tuy nhiên, để xác định được lượng phân đạm bón cho lúa bao nhiêu là hợp lý, quả thực là khó, vì phụ thuộc vào từng chân đất: ruộng sâu trũng, đồng cạn, cồn vệ... Bởi vậy, mô hình thực nghiệm “Xác định lượng phân đạm bón hợp lý cho cây lúa tại Văn Thành, Bắc Thành trong mấy vụ vừa qua chỉ áp dụng cho một số diện tích nhất định, chưa triển khai diện rộng.

Cán bộ nông nghiệp xã Mường Nọc (Quế Phong) hướng dẫn bà con cách chăm sóc lúa hợp lý, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Kỹ sư Trần Minh Doãn - Hội Khoa học Nông nghiệp Nghệ An, chủ nhiệm đề tài thực nghiệm, cho biết: Đây là đề tài nhằm tăng thu nhập từ 7 - 10% cho người trồng lúa, nâng cao chất lượng hạt gạo, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái ruộng lúa.

Đề tài này được khảo sát ở Văn Thành, Bắc Thành (Yên Thành), Thanh Đồng, Thanh Lương (Thanh Chương), Hưng Long, Hưng Thông (Hưng Nguyên). Sau khi thực hiện đề tài “Xác định lượng phân đạm bón hợp lý cho cây lúa tại một số vùng trọng điểm sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh” cho thấy, lượng phân đạm bón khác nhau thì mức độ sâu bệnh xuất hiện gây hại trên ruộng lúa khác nhau, lượng đạm bón càng nhiều thì sâu bệnh gây hại trên ruộng lúa càng nhiều.

Tuy nhiên, theo Kỹ sư nông nghiệp Trần Minh Doãn, để có kết luận chính xác hơn, Sở NN&PTNT cần xây dựng thêm một số mô hình quy mô từ 5 - 10 ha, với giống lúa lai, lúa thuần trong vụ hè thu và vụ xuân tại các vùng trọng điểm lúa, theo hướng giảm bình quân 40 - 45 kg đạm urê/ha.

Qua điều tra khảo sát và nghiên cứu 3 vụ sản xuất trên địa bàn 6 xã của 3 huyện cho thấy, trên diện tích thực nghiệm, đạt năng suất cao nhất được xác định: Lúa lai vụ hè thu bón 145 - 150 kg đạm/ha, lúa lai vụ xuân bón 175 - 180 kg đạm/ha. Đối với lúa thuần hè thu bón 125 - 130 kg đạm/ha, lúa thuần vụ xuân bón 155 - 160 kg đạm/ha. Số lượng đạm đó được bón 3 lần/vụ: 1 lần bón lót và 2 lần bón thúc.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201612/giam-bon-dam-cho-lua-de-tang-chat-luong-gao-2761248/