Giảm bỏ học lại tránh lãng phí đào tạo

Là một trong những nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện phân luồng giáo dục hiệu quả trong thời gian sắp tới. Trong đó, đại diện Bộ LĐ-TB&XH đề xuất ý kiến học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể học thẳng lên CĐ, đây là giải pháp phân luồng để tránh lãng phí đào tạo.

Hiệu quả từ mô hình 9+

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí trong đào tạo nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và CĐ. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Mô hình 9+ đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn quốc. Học sinh hết lớp 9 được học chương trình kéo dài từ 3-5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng CĐ, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.

Chương trình được thiết kế tổng thể đảm bảo người học từ trình độ trung cấp lên trình độ CĐ không phải học lại những nội dung đã học. Trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT để đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn.

Thời gian đào tạo được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Nhà nước, các điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tải cho người học.

Những chính sách cho đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp như học sinh tốt nghiệp THCS được miễn học phí khi học tiếp lên trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, người học sau tốt nghiệp được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng lương theo trình độ đào tạo, được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành đối với người tốt nghiệp CĐ.

Thông thường thì sau khi học xong hệ THCS, học sinh có 2 lựa chọn cơ bản, như: Lựa chọn thứ nhất là học THPT hoặc học bổ túc văn hóa; lựa chọn thứ 2 là chuyển sang học trung cấp.

Với quyết định đi theo lựa chọn thứ nhất, các em sẽ tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa. Các em sẽ quyết định tiếp tục học trung cấp, CĐ, ĐH hoặc đi làm (thường với các vị trí công việc yêu cầu trình độ phổ thông hoặc công việc tự do...). Lựa chọn này rất phù hợp các em học sinh có học lực tốt, gia đình có điều kiện hỗ trợ lâu dài.

Nhưng rõ ràng có một bộ phận không nhỏ các em vì học lực, vì kinh tế khó có thể học lên THPT, nên lựa chọn dừng học, tham gia lao động tự do vào thị trường lao động – vừa không được đào tạo tay nghề, vừa lãng phí thời gian học văn hóa trước đó.

Với mô hình thí điểm học hết 9 năm lên học CĐ, trong đó chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa cả kỹ năng nghề, các em 18-19 tuổi gia nhập thị trường và rất hiệu quả. Năm 2018, kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này. “Do đó, Luật nên cho phép các em học hết THCS có thể tham gia trung cấp hoặc học CĐ ngay” – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Nhiều ý kiến đề xuất rằng Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi bổ sung nên quy định về việc học sinh lớp 9 có thể học lên CĐ. Ảnh: P.T

Phân luồng, đừng đợi cấp THPT mới làm

Thực tế là có rất nhiều ý kiến đóng góp rằng: Không nên để đến bậc THPT mới phân ban, phân luồng học sinh, khó hiệu quả, gây khó khăn cho chương trình, SGK mới.

Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tăng mạnh trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường THPT có hạn. Bên cạnh đó, số lượng học sinh lớp 12 không thi ĐH tăng. Do vậy giáo dục nghề nghiệp sẽ là một “hướng rẽ” phù hợp hơn với các em muốn ra nhập thị trường lao động sớm.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì: Phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chủ trương này được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05-12-2011 trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Quá trình học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Học nghề để trở thành kỹ thuật viên, lao động có tay nghề, có thu nhập tốt và ổn định. Người theo học nghề thường có việc làm ngay khi tốt nghiệp và được phép học tiếp lên CĐ, ĐH nếu có nhu cầu.

Hiện hàng năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Trước khi hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chuyển giao quản lý từ Bộ GD&ĐT về Bộ LĐ-TB&XH (từ năm 2017) số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%, con số này vẫn còn quá thấp so với chỉ tiêu 30% học sinh phải vào hệ thống các trường nghề sau THCS vào năm 2020.

Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Điều 27 của Dự thảo Luật giáo dục theo hướng mở ra là THCS không chỉ học lên trung cấp mà học lên thẳng CĐ để công tác phân luồng từ cấp THCS thực sự có hiệu quả.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-bo-hoc-lai-tranh-lang-phi-dao-tao-128134.html