Giảm áp lực cho trẻ

Có những đứa trẻ đi học về không dám thông báo lịch họp phụ huynh với bố mẹ, âu cũng bởi quá lo việc bố mẹ mắng mỏ, thậm chí là đánh đập - khi nghe giáo viên chủ nhiệm thông báo cụ thể hơn về kết quả học tập trên lớp của con mình. Đây là một thực trạng, đồng thời cũng là tâm tư của không ít học sinh.

Mới đây, Trường ĐH Khoa học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã tổ chức một cuộc tọa đàm chủ đề “Trầm cảm - chuyện không của riêng ai”. Theo con số do PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐHKH Giáo dục) cung cấp, tỉ lệ trẻ tuổi học đường bị rối loạn lo âu hiện khoảng 20% và đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân do áp lực học tập hoặc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều. Như vậy, bố mẹ vô tình tạo áp lực khiến trẻ bị trầm cảm.

Phân tích từ các chuyên gia tại tọa đàm này cho hay: trầm cảm ảnh hưởng tất cả mọi người từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và địa vị trong xã hội nhưng không mấy ai nhận thấy hoặc biết cách vượt qua. Cùng với đó, một thống kê cũng được đưa ra tại tọa đàm, hàng năm ở Việt Nam, có tới hơn 3 triệu trẻ em cần trị liệu tâm lý vì đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần; Có gần 13% trẻ ở độ tuổi đi học có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên, những dấu hiệu trẻ bị trầm cảm vẫn chưa được phát hiện sớm để kịp thời can thiệp.

Cụ thể hơn, những áp lực, lo âu lứa tuổi học đường đến từ nhiều phía như: quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu đạt được thành tích, sự tự đánh giá, áp lực đánh giá từ người khác và nhu cầu thể hiện bản thân…

Theo các chuyên gia, học sinh tự nhiên không có hứng thú học, đôi khi không phải là do các em lười mà có thể đang gặp vấn đề gì đó về tâm lý. Do đó cần quan tâm đúng mức hơn tới vấn đề tâm lý học được cho học sinh. Mỗi một độ tuổi, nhu cầu được quan tâm, sẻ chia cũng ở những mức độ khác nhau.

Đôi khi, những đổi thay ở lứa tuổi dậy thì khiến các em nhạy cảm với cả một câu so sánh bâng quơ từ người lớn. Đơn cử như khi bố mẹ khen bạn nọ, bạn kia chăm chỉ, học giỏi, ngoan ngoãn… Những sự vô tình ấy nếu lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ cảm thấy rất áp lực. Trong khi không phải lúc nào người lớn cũng đúng, bởi mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có tài năng và sở thích riêng. Điều này dễ dàng lý giải khi một đứa trẻ có năng khiếu âm nhạc, còn đứa khác thì không. Đứa trẻ không có năng khiếu âm nhạc có thể giỏi thể thao hoặc ham đọc sách. Chẳng có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện…

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/giam-ap-luc-cho-tre-tintuc428218