Giảm 7 nghìn tỷ chi phí tuân thủ cho người nộp thuế

'Thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đã giảm được 420/537 giờ (tương ứng với 78%) và giảm được 7 nghìn tỷ đồng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế'.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách của ngành Thuế, nhưng cho rằng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thuế. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách của ngành Thuế, nhưng cho rằng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thuế. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên

Sáng ngày 21/6, Tổng cục Thuế phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ tổ chức hội thảo Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách thuế.

Phiền hà lớn nhất là các biểu mẫu thuế hay thay đổi

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã góp phần tăng hạng đáng kể về năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.

Ngành Thuế đã cắt giảm được 63 thủ tục hành chính, đơn giản hóa tối 262 thủ tục. “Thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đã giảm được 420/537 giờ (tương ứng với 78%) và giảm được 7 nghìn tỷ đồng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế”, ông Tiến cho biết.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của 2.542 doanh nghiệp đối với việc thực hiện và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế cũng cho thấy, 77% hài lòng với việc giải đáp vướng mắc của cơ quan thuế; 79% cho biết thông tin về thủ tục hành chính thuế là sẵn có, dễ tìm.

Song doanh nghiệp vẫn mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ. Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 49% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Trong đó, 2 nhóm thủ tục mà doanh nghiệp đang gặp phiền hà lớn nhất là đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế (32%) và khai thuế (28%).

“Phiền hà lớn nhất là các biểu mẫu hay thay đổi (trên 70%). Kế đến là cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết và thời gian giải quyết quá dài. Thủ tục mất thời gian nhất là miễn giảm thuế hoặc hoàn thuế”, ông Thạch cho biết.

Còn xu hướng suy diễn quy định thuế bất lợi cho doanh nghiệp

90% doanh nghiệp có thanh tra, kiểm tra thuế đồng ý với nhận định rằng thời gian thanh tra, kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh tra, kiểm tra đã ban hành.

“Nhưng vẫn có 31% doanh nghiệp phản ánh cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp”, ông Thạch cho biết.

Ngoài ra, 26% doanh nghiệp trong tổng số 52% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra về thuế cho rằng nội dung thanh, kiểm tra còn trùng lặp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra theo tiêu thức quản lý rủi ro là khoa học và hướng đến minh bạch. Tuy nhiên tiêu chí chưa cụ thể nên trong thực thi còn gặp khó khăn cho cả cán bộ, công chức thuế và người nộp thuế.

“Đến thời điểm này chưa có hướng dẫn, chưa có quy định cho phép sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế, dẫn đến còn chồng chéo trong thanh, kiểm tra”, bà Cúc lý giải.

Toàn cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong tuân thủ pháp luật. Theo bà Cúc, một số địa phương muốn thu hút đầu tư về địa phương mình, đưa ra các ưu đãi không đúng so với các văn bản quy phạm pháp luật chính thống, có sự khác biệt quan điểm giữa trung ương và địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán đầu tư, ưu đãi thuế.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chưa được tiếp cận kịp thời các nội dung sửa đổi của chính sách thuế có lợi cho doanh nghiệp, như chi trực tiếp phúc lợi cho người lao động được hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp..

Lấy sự hài lòng của người nộp thuế làm mục tiêu

Từ thực tế, 86% doanh nghiệp mong muốn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế; 61% mong muốn rút ngắn thời gian hành chính thuế, tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính thuế….

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế nhấn mạnh, chúng tôi lấy sự hài lòng của người nộp thuế làm mục tiêu của cải cách thuế.

Cho nên, ngành Thuế đặt mục tiêu, giảm chi phí tuân thủ thuế cho người nộp thuế, phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế.

Có ít nhất 80% người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ của cơ quan thuế cung cấp; tỷ lệ người nộp thuế được lựa chọn thanh tra, kiểm tra qua đánh giá rủi ro của cơ quan thuế đạt ít nhất 95%; tỷ lệ hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng hạn đạt ít nhất 90%...

"Chúng tôi sẽ xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế; chống chuyển giá, trốn thuế; xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hóa đơn điện tử”, bà Lan Anh cho biết.

Ngành Thuế cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp và khoản thuế thu nhập cá nhân do doanh nghiệp trả cho người lao động và đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn theo quy định của Luật Quản lý thuế….

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/giam-7-nghin-ty-chi-phi-tuan-thu-cho-nguoi-nop-thue_t114c1068n105102