Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Có phải 'liều an thần' ?

Nghị định số 70/2020/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ 28/6/2020. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh thị trường ô tô mới nhưng cũng khiến xe đã qua sử dụng 'khóc ròng'.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT

Ảnh minh họa. Nguồn: INT

Gỡ khó cùng doanh nghiệp ô tô hậu Covid-19

Theo tinh thần Nghị định, thay vì người tiêu dùng mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước phải đóng 10 - 12% thì chỉ phải đóng 5 - 6% phí trước bạ khi đăng ký xe lần đầu tùy theo từng địa phương. Theo đó, có khoảng trên 30 mẫu xe lắp ráp trong nước được hưởng mức giảm phí trước bạ 50% này. Cụ thể, Trường Hải - THACO là hãng có nhiều mẫu được hưởng lợi nhất, KIA có Morning, Cerato, Sorento, Soluto và Sedona, Optima; Mazda có Mazda 3, Mazda 6, CX5, CX8; Peugeot có 3008 và 5008 đều được giảm 50% phí trước bạ do lắp ráp trong nước.

Toàn bộ các mẫu xe dưới 9 chỗ của Hyundai do Tập đoàn Thành Công lắp ráp đều được giảm 50% phí trước bạ. Trong đó có Grand i10, Accent, Kona, Tucson và SantaFe, Creta. Ông lớn liên doanh Toyota có các mẫu như Vios, Altis, Innova, Camry. Riêng Fortuner hãng này duy trì một số mẫu lắp ráp, một số mẫu nhập khẩu từ Indonesia, nên người mua cần xem xét cẩn thận để có thể được giảm 50% phí trước bạ.

Honda có mẫu xe Honda City. Ford hiện nay có các mẫu Ford EcoSport, Focus. Mitsubishi có Outlander. Nissan có Sunny và X-Trail. Ở phân khúc cao cấp hơn, Mercedes Việt Nam lắp ráp nhiều mẫu xe từ bản C, E và S và một số bản GLC như GLC 200, 300... mức giá cao nhất là khoảng 2,4 tỷ đồng. VinFast có ba mẫu xe LuxA và Lux SA và Fadil.

Hiện, các địa phương áp dụng thu phí trước bạ dựa trên mức giá bán xe theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện, 3 văn bản có hiệu về phí trước bạ ô tô của Bộ Tài chính là Quyết định số 452/QĐ-BTC ngày 31/3/2020, Quyết định 1112/ngày 28/6/2019 và Quyết định 2064 ngày 25/10/2019.

"Người mua xe cần lưu ý, đây là Nghị định hướng dẫn giảm phí trước bạ, nghĩa là nó chỉ được áp dụng khi phương tiện đã được mua chứ không phải giảm giá xe hay trừ vào tiền mua xe khi thanh toán. Dù thời gian áp dụng không dài nhưng cũng đủ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được hàng chục triệu đồng nhờ chính sách kích cầu thị trường ô tô hậu Covid - 19", chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý.

Kỳ vọng hồi sinh thị trường ô tô nội địa

Mức điều chỉnh giảm 50% phí trước bạ cho các loại ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của địa phương. Bởi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương. Bộ Tài chính cho biết, chính sách này dự kiến tác động giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Nghị định số 70/2020/NĐ-CP không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Nó được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh thị trường ô tô nội địa. Chính sách này có tác động kích cầu tốt, tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục hồi nền kinh tế.

Dù vậy, theo ông Vũ Đình Ánh, do áp dụng chỉ 6 tháng, trong khi thời gian nghiên cứu dự thảo khá dài nên nhiều người có nhu cầu mua xe trước nán lại chờ Nghị định có hiệu lực. Ông Ánh bày tỏ lo ngại thời gian 6 tháng chưa đủ dài để các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước "hồi sinh".

Theo bà Đào Thị Mến, phòng kinh doanh Toyota Mỹ Đình, với phí trước bạ giảm 50%, ở các mẫu xe có giá từ 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì người mua có lợi từ 17 - 30 triệu đồng/xe. Đối với các mẫu xe từ 600 - 1 tỷ đồng thì người mua sẽ có lợi từ 30 - 60 triệu đồng/xe. Còn đối với mẫu xe từ 1,1 - 3 tỷ đồng thì người mua có lợi từ 55 - 180 triệu đồng/xe.

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước giúp người tiêu dùng tiết kiệm được từ 15 triệu đồng đến 200 triệu đồng tùy mẫu xe so với trước đây. Đối với nhà sản xuất, đại lý ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng được hưởng lợi không nhỏ. Các đại lý ô tô được hỗ trợ tiêu thụ được lượng xe tồn kho. Các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nghị định cũng góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển. Xa hơn nữa, các doanh nghiệp ô tô sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Ngay khi chính sách ưu đãi ban hành, một số hãng xe đã có động thái chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Dương Văn Thái, chủ Showroom ký gửi xe đã qua sử dụng Bảo Châu (Long Biên) cho rằng, việc ban hành chính sách này không có lợi cho những người bán dòng xe đã qua sử dụng. Giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ khiến giá xe cũ cũng rẻ đi. Nếu không bán nhanh thì chắc chắn lượng xe tồn kho sẽ rất khó tiêu thụ trong thời gian tới do tâm lý khách hàng thích mua xe mới cùng tầm tiền.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giam-50-phi-truoc-ba-o-to-co-phai-lieu-an-than--20200630092032338.html