Giải trình, tiếp thu ý kiến đbqh về Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi)

Sáng ngày 07/11, trước khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật này.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp, ý kiến của các Đoàn ĐBQH và ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có bố cục gồm 6 Chương, 40 Điều, quy định về về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân và cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Toàn cảnh phiên họp

Liên quan đến thời điểm đặc xá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 03 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 03 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá. Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết. Vì vậy, đề nghị cho giữ 03 thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 02 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội phạm nào nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể. Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác (cụ thể, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn). Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo

Đối với ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định của BLHS thì người được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa thi hành án; người đang chấp hành án treo thực chất là được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Như vậy, những đối tượng này đều đang ở ngoài xã hội, chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Nếu quy định người được hoãn chấp hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá sẽ không đáp ứng các điều kiện về thời gian đã chấp hành án, về ý thức cải tạo... và không bảo đảm công bằng với các đối tượng khác được xét đặc xá nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn của đất nước. Bên cạnh đó, với người đang chấp hành án treo thì BLHS đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. Vì vậy, đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người được hoãn chấp hành hình phạt tù và người đang thi hành án treo nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

Về các trường hợp không được đề nghị đặc xá, Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp “Trước đó đã được đặc xá” hoặc “Có từ 02 tiền án trở lên”. Quy định này là phù hợp, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 12 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, giữ lại 02 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, theo đó, quy định các trường hợp không được đề nghị đặc xá không dựa trên các tiêu chí về: vai trò của người phạm tội trong vụ án, thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng khi gây án, thái độ chấp hành pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Tổng kết thực tiễn cho thấy, nhiều đối tượng thuộc các trường hợp này trong quá trình chấp hành án đã ăn năn hối cải, cố gắng cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Nếu quy định không đề nghị đặc xá với các đối tượng này sẽ thu hẹp đối tượng đặc xá so với Luật hiện hành, làm mất đi động lực để họ phấn đấu, cải tạo tốt, đồng thời cũng không phù hợp với chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta từ nhiều năm qua. Vì vậy, đề nghị không bổ sung các trường hợp nêu trên vào các trường hợp không được đề nghị đặc xá tại Điều 12 của dự thảo Luật.

Để không làm phát sinh thêm điều kiện đặc xá với phạm nhân là người nước ngoài và tránh cách hiểu có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân là người Việt Nam với phạm nhân là người nước ngoài, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản giữ lại quy định của Điều 19 của Luật hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này. Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 14 của dự thảo Luật do Chính phủ trình. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sử dụng thuật ngữ “người nước ngoài” là đã bao gồm cả công dân nước ngoài và người không có quốc tịch, phù hợp với Điều 3 của Luật Quốc tịch.

Ngoài ra, để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các luật có liên quan, khắc phục những bất cập của Luật Đặc xá hiện hành, UBTVQH đề nghị tiếp thu, chỉnh lý quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá (Điều 15), về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 30), về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại (Điều 38).

Ngoài các vấn đề đã được giải trình, tiếp thu chỉnh lý trên đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật như: bổ sung quy định về gửi đơn đề nghị đặc xá; phân biệt rõ thẩm quyền của Tổ thẩm định liên ngành, thẩm quyền của Hội đồng tư vấn đặc xá; làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước; giảm bớt thủ tục trình, duyệt danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá nhưng vẫn bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ...

Thu Phương- Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=38171