GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sáng ngày 16/11/2020, tiếp tục Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 16/11/2020.

Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 16/11/2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 14/11/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 619/BC-UBTVQH14 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi đến đại biểu Quốc hội.

Về mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố, có ý kiến đề nghị tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình 01 cấp chính quyền đầy đủ và 02 cấp hành chính trên toàn Thành phố, không tổ chức Hội đồng nhân dân cả ở huyện và xã. Ý kiến khác đề nghị trước mắt chỉ không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, còn giữ nguyên Hội đồng nhân dân phường. Ủy ban Thường Vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố như Chính phủ đã trình đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 cũng như phù hợp với đặc điểm, tính chất, yêu cầu phát triển của Thành phố, có sự đồng thuận của người dân và dựa trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại quận, huyện, phường trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 từ năm 2009 đến năm 2016. Do đó, xin phép được giữ quy định mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố như dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dânThành phố hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến đề nghị đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố trong bối cảnh không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường.

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố gồm 95 đại biểu như quy định của Luật hiện hành nhưng điều chỉnh tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí tối đa là 19 đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch; mỗi Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố có Trưởng Ban, 02 Phó Trưởng Ban và 01 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban như đã thể hiện tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND Thành phố, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý của việc quy định Hội đồng nhân dân Thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc bổ sung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trong dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trước Hội đồng nhân dân Thành phố, tăng cường sự giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền Thành phố đối với chính quyền địa phương ở quận. Đây là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để người có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động công tác đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trong Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý để Hội đồng nhân dân Thành phố triển khai thực hiện trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân Thành phố, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định khái quát nhiệm vụ liên quan đến quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách của quận, phường. Do Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường chỉ là đơn vị dự toán, không còn là một cấp ngân sách, một cấp quy hoạch nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho chỉnh lý các quy định về việc giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường cho phù hợp (tại các điều 3, 5 và 7 của dự thảo Nghị quyết).

Đối với quy định trong Dự thảo Nghị quyết về Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường, có ý kiến đề nghị đổi tên Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thành Ủy ban hành chính để phù hợp với tính chất của cơ quan này; nhiều ý kiến khác tán thành việc giữ nguyên tên gọi là Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường để tránh sự xáo trộn trong công tác quản lý và gây phiền hà, tốn kém cho người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, Ủy ban nhân dân ở nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là cơ quan hành chính, hoạt động theo chế độ thủ trưởng nên gọi tên là Ủy ban hành chính sẽ phù hợp với tính chất của cơ quan này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu đổi tên ngay thành Ủy ban hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề, có thể gây xáo trộn lớn trong công tác quản lý nhà nước mà chưa được tính toán kỹ. Hơn nữa, khi thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Quốc hội cũng đã nhất trí giữ tên gọi là Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường tại những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định, thống nhất, không làm phát sinh thủ tục, chi phí liên quan đến việc thay đổi tên gọi và hạn chế những vấn đề phát sinh khác trong giai đoạn mới chuyển sang mô hình chính quyền đô thị, trước mắt đề nghị vẫn cho giữ tên gọi của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Về chính quyền thành phố thuộc Thành phố, có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố là không hợp lý vì trên thực tế chưa có đơn vị hành chính này; quy định như vậy sẽ không thống nhất với quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên cơ sở quy định về “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa tên gọi của đơn vị này là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” (khoản 2 Điều 2). Để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương ở loại đơn vị hành chính này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Mục 3 Chương III). Hiện nay, Đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập thì việc dự thảo Nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố là cần thiết. Quy định như vậy không mâu thuẫn với khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết vì tại thành phố thuộc Thành phố vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, nhưng do ở các phường thuộc thành phố này không tổ chức Hội đồng nhân dân nên trong Nghị quyết của Quốc hội phải bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố tương tự như đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như dự thảo Nghị quyết.

Đối với điều khoản chuyển tiếp, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp đối với cán bộ, công chức phường để tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm tính liên thông trong việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức phường của Thành phố khi tổ chức chính quyền đô thị như đối với công chức từ cấp huyện trở lên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung quy định về vấn đề này theo hướng: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó theo quy định của Chính phủ. Việc sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã quy định tại các điểm a, d, đ, e và g khoản 2 Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức công tác ở các phường tại Thành phố vẫn thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan như đã thể hiện tại khoản 3 và khoản 4 Điều 11 của dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên đây và trong Báo cáo đầy đủ số 619/BC-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉnh lý cả về nội dung, bố cục và kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Nghị quyết./.

Lan Hương - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49918