GIẢI TRÌNH TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về vị trí của Công an nhân dân (CAND), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định CAND làm nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, vì cho rằng, nội hàm như dự thảo Luật là rất rộng, do nhiều bộ, ngành thực hiện. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xác định CAND giữ vị trí nòng cốt trong đấu tranh, phòng chống vi phạm phạm luật là phù hợp với thực tiễn và thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở xác định vị trí của CAND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của CAND (Điều 15, Điều 16 dự thảo Luật) phù hợp với vai trò của CAND trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Về trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về trách nhiệm của Chính phủ và bộ, ngành vì đã được quy định ở các luật có liên quan; một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của bộ, ngành trong kết hợp quốc phòng, đối ngoại với an ninh và đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tuy đã được quy định ở các luật có liên quan nhưng mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Do đó, để thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; đề nghị tăng cường trách nhiệm của HĐND và UBND trong bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách cho nhiệm vụ an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật quy định về trách nhiệm chung của HĐND và UBND các cấp đối với các nhóm nhiệm vụ về bảo đảm an ninh, trật tự mà không quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cấp chính quyền để tránh trùng lắp, theo đó, HĐND và UBND từng cấp căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp để thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình ở địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo đảm ngân sách đối với thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương và thấy rằng, quy định như dự thảo Luật là phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước về nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Về hệ thống tổ chức của CAND, nhiều ý kiến tán thành chính quy Công an xã, thị trấn nhưng đề nghị có lộ trình phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện ngân sách, địa bàn, bảo đảm tính khả thi, thống nhất với pháp luật có liên quan; nghiên cứu bổ sung điều khoản chuyển tiếp về tiếp tục thực hiện Pháp lệnh Công an xã ở các địa bàn chưa tổ chức Công an xã chính quy. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, có tính chất thay đổi căn bản so với hệ thống pháp luật hiện hành, liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức, hoạt động của Công an cấp cơ sở và việc bố trí, sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay. Vì vậy, cần có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ phối hợp công tác của Công an xã, thị trấn trong dự thảo Luật. Đối với những xã, thị trấn chưa bố trí Công an chính quy thì nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác tiếp tục thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Công an xã như Điều 46 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Có ý kiến đề nghị xây dựng mô hình Công an xã kết hợp giữa lực lượng chính quy và bán chuyên trách để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ làm nòng cốt trong xây dựng thế trận an ninh và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời giảm áp lực về chính sách, tiết kiệm ngân sách. Về vấn đề này, nội dung dự thảo Luật phù hợp với ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, vấn đề này trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn có ý kiến khác nhau, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý; quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết thêm, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội như về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Công an nhân dân quy định thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; rà soát để quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân ngắn gọn, tránh trùng dẫm nhiệm vụ của các bộ, ngành, các lực lượng chức năng khác.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến vế dự án Luật theo các nhóm vấn đề về vị trí của Công an nhân dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân; cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ và một số chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân: chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế và Điều khoản chuyển tiếp.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=38156