GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Chiều 25/10, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo một số nội dung

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ, tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội, cụ thể như sau:

Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14, Dự thảo luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và KTNN. Nội dung liên quan đến tổ chức, biên chế, bộ máy, KTNN đã lập, trình cấp có thẩm quyền các Đề án liên quan.

Thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khác nhau được quy định tại 2 Luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong khi chưa có sự phân biệt rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và đối tượng của KTNN và thanh tra nếu không có sự phối hợp tốt giữa KTNN và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng , đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán , ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH, quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao KTNN chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo.

Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Dự thảo luật quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ điểm 1, điểm 2a khoản 10 Điều 1 trong Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Dự thảo luật bổ sung quy định trong trường hợp cần kiểm tra, đối chiếu thì phải đưa vào kế hoạch do Trưởng Đoàn kiểm toán duyệt, thể hiện cụ thể tại khoản 6 Điều 1 Dự thảo luật (sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 39). Ngoài ra, Dự thảo luật cũng bổ sung quy định KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, Dự thảo luật cũng bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại về hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán, về kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN, thể hiện tại khoản 9, 11, 13, 14 Điều 1 và Điều 3 Dự thảo luật để khách quan, công bằng và bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Về bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, việc trao cho KTNN thẩm quyền ban hành văn abnr quy phạm pháp luật, quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, Luật này chỉ quy định thẩm quyền của KTNN còn quy định về hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính,... sẽ được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

Về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng. Vì vậy, xin tiếp thu, rà soát, lược bỏ, thể hiện lại hoặc bổ sung một số điều, khoản trong Dự thảo luật theo hướng hạn chế dẫn chiếu các nội dung đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng như: Bỏ các quy định về quyền “xác minh” tại điểm 2a khoản 3 và điểm 2 khoản 7 Điều 1 Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7; bỏ quy định về trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán khi đã kiểm toán nhưng không phát hiện tham nhũng do đã quy định rõ tại Điều 64 Luật Phòng, chống tham nhũng và để thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”; sửa quy định KTNN ban hành quyết định kiểm toán khi “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” thành KTNN có nhiệm vụ xem xét, quyết định việc kiểm toán khi “có dấu hiệu tham nhũng” cho phù hợp với Luật PCTN và sửa khoản 3 Điều 30 Luật KTNN để bảo đảm phù hợp, tương thích. Quy định Tổng KTNN quyết định và tổ chức các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong nội bộ KTNN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (thể hiện tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo luật), làm căn cứ cho KTNN rà soát lại các quy định đã ban hành để đảm bảo theo yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng. Quy định Tổng KTNN ban hành “Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” để quy định các nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về KTNN.

Ngoài các nội dung trên, về kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu, rà soát, chỉnh lý và thể hiện cụ thể tại các điều, khoản của Dự thảo luật. Đồng thời, rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ trong Dự thảo luật.

Ngay sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật này./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42539