Giải tỏa nỗi 'sợ' năng lượng mang tên 'bò một nắng'

Trên nghị trường vừa xuất hiện thêm một nỗi 'sợ' năng lượng mang tên 'bò một nắng'(!?).

Trên diễn đàn Quốc hội, trong phần thảo luận liên quan đến chủ đề năng lượng, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) mô tả, hiện cán bộ, nhân dân ở địa phương có pin năng lượng rất hoang mang, ngay cả bản thân bà cũng có tâm trạng ấy.

“Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?” - nữ đại biểu này nói.

Mấy ngày vừa qua, một trong những vấn đề “nóng” nhất trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại nghị trường là câu chuyện thủy điện.

Không gian và thời gian ở các cuộc họp Quốc hội vốn không thật phù hợp với việc "đi đến cùng" những khía cạnh liên quan đến một vấn đề phức tạp như thủy điện. Song, khi Thủ tướng lên tiếng, Phó Thủ tướng lên tiếng, các bộ trưởng chức năng liên tiếp đăng đàn làm rõ, mối quan ngại của cử tri, nhân dân cả nước, đặc biệt tại các vùng tập trung thủy điện thông qua người đại diện của mình là các đại biểu Quốc hội cũng đã phần nào được giải đáp.

Năng lượng luôn là câu chuyện nóng

Năng lượng luôn là câu chuyện nóng

Không rõ từ khi nào, các mảng của lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam lại gắn với lắm nỗi “sợ” đến vậy. Này nhé: Làm nhiệt điện thì bị phản đối vì “sợ” ô nhiễm. Làm thủy điện bị phản đối, do bị xem là một trong những tác nhân gây lũ lụt. Điện hạt nhân- hiện đã dừng vì “sợ” nguy hiểm ô nhiễm dài lâu. Nay nỗi sợ được nối dài thêm, lan sang điện mặt trời, vì lý do được nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp dẫn ra ở trên. Xem ra, để xua đi nỗi "sợ" còn mỗi cách thắp đèn dầu như những năm 60, 70 của thế kỷ trước (!?).

Chợt nghĩ, nếu như bảo nỗi “sợ” năng lượng có cái lý, cũng có thể. Là bởi trước đây chỉ khi đi đến cây xăng hay tìm một cái ổ cắm trên tường, người ta mới nghĩ đến năng lượng. Bên trong cái “sợ” đó ẩn chứa những suy nghĩ mới, những nhận thức mới có dấu ấn nào đó không đến nỗi tiêu cực. Đi cùng đó là sự thay đổi quan niệm thay vì coi năng lượng là điều tự nhiên thì thì nay mọi người đều hiểu phải tạo nguồn, ổn định, chất lượng và an toàn.

Hiềm nỗi, năng lượng luôn là thứ phải đi trước, đi nhanh. Nhưng liệu những nỗi sợ trên có khiến cho năng lượng đi chậm, đi sau hay không? Một dự án tốt cho đất nước rất có thể chậm, phải chuyển sang trạng thái “câu giờ” vì không có mặt bằng triển khai hay phải thương lượng hướng tuyến với người dân?

Nhưng nếu cứ “sợ” mãi như thế thì làm thế nào đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, cho cuộc sống, mà nay nhiều tỉnh vốn chậm phát triển cũng đang mạnh dạn coi hạnh phúc là tiêu chuẩn trong đời sống nhân dân tỉnh nhà?

Năng lượng dù thế nào đi nữa không thể mãi ăn đong.

Vậy đâu là lối ra để giải tỏa nỗi “sợ” năng lượng?

Câu trả lời thứ nhất chính là công nghệ. Chuyện “sợ” được nêu trên không phải chỉ xảy đến với một nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả với những nước có trình độ phát triển cao. Những công nghệ tiên tiến nhất có thể hoàn toàn hóa giải được cái “sợ” để người dân yên tâm, ủng hộ cho các dự án phát triển năng lượng. Nhưng ở đây, điều không kém phần quan trọng là làm sao cho người dân vỡ ra lẽ: phải đặt niềm tin ở công nghệ.

Điều này dẫn đến câu trả lời thứ hai chính là truyền thông năng lượng: giống như chính bản thân năng lượng, nó cũng cần phải đi nhanh, đi sớm. Cũng cần phải thông minh trong thời đại 4.0.

Và câu trả lời thứ ba, không mới, đó là tiết kiệm năng lượng. Bởi như đã rõ, năng lượng không phải là thứ tự nhiên có, tự nhiên thành.

Câu trả lời cuối cùng mang tên “hậu năng lượng”. Hậu mà lại cần được đặt lên đầu: ngay khi làm dự án phải tính đến khi dự án xong vòng đời, mọi thứ còn lại sẽ phải xử lý sao đây để không thành "món nợ" cho những thế hệ sau.

Bốn lối ra đó cùng được đặt lên bàn cân. Tự khắc nỗi “sợ” theo gió bay đi.

Chắc chắn là như thế!

Hà Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-toa-noi-so-nang-luong-mang-ten-bo-mot-nang-146987.html