Giải thưởng Trần Đại Nghĩa ghi nhận sự cống hiến, nhiệt huyết của các nhà khoa học

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho các tác giả, nhóm tác giả 4 công trình nghiên cứu xuất sắc, có tiềm năng ứng dụng vào thực tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đến dự và trao giải thưởng. Mỗi công trình được nhận Cúp, Bằng khen và tiền thưởng trị giá 200 triệu đồng gồm kinh phí theo quy định Nhà nước, phần hỗ trợ của doanh nghiệp là đối tác nhận chuyển giao thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các công trình nghiên cứu, chỉ ra những đóng góp của khoa học với phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ số đổi mới sáng tạo liên quan đến khoa học đạt cao nhất từ trước tới nay; các công trình công bố trên các tạp chí uy tín; đồng thời chúc mừng các nhà khoa học được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được tổ chức không chỉ đánh giá các công trình nghiên cứu về mặt khoa học mà điều rất ý nghĩa là cho thấy sự nỗ lực của giới trí thức trong việc phần gìn giữ, bảo vệ và phát triển đất nước. Giải thưởng này không chỉ khẳng định về năng lực mà còn ghi nhận sự cống hiến, tinh thần, nhiệt huyết của các nhà khoa học - tinh thần Trần Đại Nghĩa - dám vượt qua khó khăn để khoa học phát triển xây dựng đất nước.

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cho biết: Nhằm phát huy tinh thần “ Đưa trí tuệ Việt Nam vươn lên đỉnh cao của khoa học công nghệ” của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Viện tổ chức trao giải thưởng 3 năm 1 lần với mục đích khuyến khích giới khoa học trong cả nước nỗ lực nghiên cứu, nhằm đạt được những kết quả khoa học xuất sắc và tham gia tổ chức triền khai ứng dụng các kết quả đó ở Việt Nam, để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bải an ninh- quốc phòng của đất nước.

Sau lần đầu tiên giải thưởng Trần Đại Nghĩa được trao tặng vào năm 2016, sức lan tỏa mạnh mẽ của giải thưởng đã tác động tích cực đến cộng đồng khoa học, thể hiện qua số lượng lớn hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng năm 2019.

Các công trình đăng ký xét tặng giải thưởng năm nay thuộc 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ (toán học; cơ học; khoa học thông tin và khoa học máy tính; vật lý; hóa học; các khoa học về sự sống; các khoa học về trái đất; khoa học biển; khoa học môi trường và năng lượng) của những nhà khoa học trong và ngoài nước.

Qua quá trình xem xét, đánh giá trên hồ sơ, Hội đồng giải thưởng đã thống nhất chọn ra 4 công trình xuất sắc nhất về mặt khoa học (đã có nhiều công bố quốc tế, có bằng sở hữu trí tuệ...) và đã được ứng dụng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Các công trình này có đặc điểm nổi bật là làm chủ các công nghệ tiên tiến. Đó là vật liệu mới, di truyền nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường... Tác giả của các công trình đều là những nhà khoa học có nhiều cống hiến lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu, đang đóng góp trí tuệ cho sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Các nhà khoa học nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh trao tặng tại buổi Lễ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Bốn công trình được giải gồm: Công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam" (nhóm tác giả: Giáo sư Lê Trần Bình, Phó Giáo sư Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học, Tiến sĩ Trần Xuân Hạnh - Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương), đã nghiên cứu được chủng giống đạt yêu cầu cho sản xuất vắcxin và xây dựng quy trình đảm bảo và lưu giữ chủng giống lâu dài cho công việc sản xuất vắcxin. Sau đó nhóm nghiên cứu đã sản xuất vắcxin từ quy mô phòng thí nghiệm với vài chục ngàn liều đến quy mô pilot vài trăm ngàn liều rồi mở rộng ra quy mô công nghiệp vài triệu liều. Nhờ đó Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất vắcxin cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, bảo đảm cung cấp một phần vắcxin, tiến tới sản xuất thay thế hoàn toàn vắcxin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi.

Công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" (nhóm tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Phó Giáo sư Đoàn Đình Phương- Viện Khoa học Vật liệu, Tiến sĩ Lê Văn Thụ - Cục Trang bị và Kho vận Bộ Công an), đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hóa học, sinh học.

Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế" (nhóm tác giả: Phó Giáo sư Trịnh Văn Tuyên, Kỹ sư Mai Trọng Chính - Viện Công nghệ Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp; hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất nguy hại công nghiệp và y tế, tập thể tác giả đã có nhiều công trình khoa học liên quan được công bố, trong đó có ba bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo và các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín.

Công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" của Giáo sư Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao. Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. Giáo sư Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/giai-thuong-tran-dai-nghia-ghi-nhan-su-cong-hien-nhiet-huyet-cua-cac-nha-khoa-hoc-20190517141046946.htm