Giải thưởng Tôn Đức Thắng: Yêu nghề, nghề chẳng phụ

Một thợ già, một thợ trẻ, họ gặp nhau ở tình yêu công việc và sáng kiến trở thành lẽ sống của họ

Mỗi năm cho ra đời từ 4-5 sáng kiến cải tiến, có năm lên đến 9 sáng kiến, đó là thành tích ấn tượng của chàng trai trẻ Huỳnh Ngọc Thạch, Tổ phó Tổ in Công ty CP In nhãn hàng An Lạc (Tổng Công ty Liksin). Thạch nói được làm việc trong một môi trường có tính cạnh tranh cao là hạnh phúc, song đó cũng chính là áp lực mà những người thợ trẻ như anh buộc phải vượt qua để khẳng định mình.

Vượt khó để sáng tạo

Từ nhiều năm nay, Công ty CP In nhãn hàng An Lạc có một quy định bất thành văn: Trong một năm, mỗi người lao động (NLĐ) phải có ít nhất một sáng kiến, cải tiến trong công việc. Chính guồng máy ấy, những con người ấy đã cuốn những người trẻ như Thạch đi theo, không cho anh đứng lại.

Tốt nghiệp ngành công nghệ in Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, năm 2010, Thạch về làm việc tại Công ty CP In nhãn hàng An Lạc. Năng nổ, nhiệt tình, Thạch luôn có nhiều ý kiến hay, những đề xuất hợp lý để công việc tốt hơn. Trong hàng loạt sáng kiến, Thạch nhớ nhất là sáng kiến "Xử lý code in nhãn" vào năm 2016. Một nhãn hàng lớn yêu cầu in 900.000 thẻ cào trúng thưởng nhưng lại muốn in nhãn trúng và nhãn không trúng trên cùng một file. Rất nhiều lần công ty in thử đều bị lỗi và điều này khiến ban giám đốc đau đầu. Tổ in của Thạch được giao trọng trách xử lý triệt để vấn đề này. Ý thức được sự tồn tại của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là uy tín đối với khách hàng, Thạch và anh em đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu thử nghiệm dù gặp không ít khó khăn. Nỗ lực của Thạch và đồng nghiệp đã được đền bù tương xứng khi những lỗi trên file code lẫn máy phun được xử lý triệt để, nhờ đó 900.000 nhãn hàng đã thực hiện sớm hơn yêu cầu của khách. Sáng kiến của Thạch làm lợi, tiết kiệm cho DN khoảng 200 triệu đồng/năm.

Anh Huỳnh Ngọc Thạch (trái) hướng dẫn đồng nghiệp thao tác trên máy in

Với vai trò là tổ phó sản xuất, Thạch được giao trách nhiệm phụ trách máy in và viết hướng dẫn công việc cho 40 công nhân (CN) trong tổ. Ngoài ra, Thạch còn lập kế hoạch đào tạo hằng tháng, quý về nghiệp vụ ngành in, các công cụ, chương trình sản xuất hiệu quả như 5S, KPIs, Lean… từ lý thuyết đến thực hành nhằm bổ sung kiến thức, chuyên môn hỗ trợ cho công tác thi nâng cao tay nghề, bậc thợ hằng năm. Dưới sự dìu dắt của Thạch, đã có 5 CN trong tổ hoàn thành tốt kỳ thi nâng bậc, được bổ nhiệm làm trưởng máy in. Ông Nguyễn Ngọc Minh Thy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Liksin kiêm Giám đốc Công ty CP In nhãn hàng An Lạc, nhận xét: "Thạch là điển hình lao động sáng tạo tại DN. Khi DN gặp khó khăn, anh luôn lãnh trách nhiệm và hoàn thành một cách xuất sắc. Thạch rất xứng đáng được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng".

Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

Ở Nhà máy Nước Thủ Đức (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV), anh Võ Dũng được đồng nghiệp quý trọng bởi lòng yêu nghề, đặc biệt là đam mê sáng tạo. Với 51 năm tuổi đời và 28 năm tuổi nghề, anh Võ Dũng được xem là "lão làng" trong ngành cấp nước. Không chỉ các CN, kỹ sư trẻ trong nhà máy mà ngay cả những người thợ ở các đơn vị khác cũng đến nhờ anh hướng dẫn nâng cao tay nghề.

Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, cuộc sống khó khăn nên mới học đến lớp 7, anh Dũng đã nghỉ học. Ngày đó, anh theo ba (thợ máy của Nhà máy Nước Thủ Đức) đi sửa ống nước, làm mộc, làm hồ… Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1990, anh được nhận vào nhà máy làm việc với công việc là một thợ máy. Nhà máy Nước Thủ Đức được xây dựng từ năm 1960 nên sau nhiều năm sử dụng bắt đầu hỏng hóc, xuống cấp. Trong khi đó, những năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, nhà máy đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cung cấp hơn 80% nước cho cả TP vì thế nhà máy phải hoạt động 24/24 giờ. Năm 1990, nhà máy thành lập đội xung kích và anh Dũng đã tiên phong vào đội. Năm 1997, một bồn chứa nước tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị xì khiến khối lượng nước thất thoát rất lớn. Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó có giả thuyết thuê một đầu máy xe lửa và xe cẩu vào để cẩu nắp hầm lên tìm hiểu nguyên nhân. Lúc đó anh Dũng mạnh dạn đề xuất giải pháp đục một lỗ lớn trên nắp hầm rồi tiến hành rà soát chỗ xì. Nghe Dũng nói có lý, ban giám đốc đồng ý giao cho anh thực hiện và kết quả là chỗ rò của bồn chứa sớm được giải quyết. Từ thành công ban đầu, năm nào, anh Dũng cũng có các sáng kiến, cải tiến cho nhà máy. Có sáng kiến làm lợi vài chục triệu đồng nhưng cũng có sáng kiến làm lợi cho nhà máy hàng tỉ đồng.

Anh Võ Dũng - một người thợ máy đầy nhiệt huyết với nghề

Có lần, một phó tổng giám đốc nói với anh: "Anh cái gì cũng giỏi, chỉ có việc học là chưa giỏi". Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định cắp sách đến trường bởi hiểu rằng người thợ giỏi không chỉ có kinh nghiệm mà còn phải biết đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Bao lần trầy trật, học rồi bỏ, bỏ xong lại học, anh cũng tốt nghiệp bổ túc THPT. Trò chuyện cùng anh, tôi để ý đến đôi bàn tay thô ráp, xù xì, các móng tay đều trắng tái. Thấy tôi ngạc nhiên, anh cười: "Làm nghề này thì phải chịu lấm bẩn vì suốt ngày tiếp xúc với máy móc, dầu nhớt và nước. Thợ trẻ ngày nay ít người chịu khó đầu tư cho nghề nghiệp, vậy sao trưởng thành được. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học". Ông Trương Kim Tân, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Nước Thủ Đức, nhận xét: "Anh Dũng là một trong những người thợ cả dày dạn kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến có giá trị cho nhà máy. Với kinh nghiệm của mình, anh đã hướng dẫn anh em thợ trẻ xử lý tốt các tình huống phát sinh trong công việc, góp phần vào việc bảo đảm hoạt động của nhà máy".

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/yeu-nghe-nghe-chang-phu-20180816210612602.htm