Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh: Người nói ít, làm nhiều

Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh Nguyễn Thành Long, Xí nghiệp Bao bì Liksin thuộc TCty Liksin (TPHCM) ấy là một người kiệm lời, khuôn mặt chân chất, hiền lành. Trái với vẻ ngoài 'quê quê' của anh là một thành tích sáng kiến, công trình cải tiến đáng nể, vì lẽ đó, đồng nghiệp thương mến gọi anh là người 'Nói ít, làm nhiều'.

Anh Nguyễn Thành Long, làm việc tại Xí nghiệp Bao bì Liksin thuộc TCty Liksin.

Anh Long là con trai duy nhất trong một gia đình thuần nông ở Đồng Tháp. Năm 2006, anh đăng ký học nghề Điện công nghiệp tại trường Trung cấp nghề Nhân Đạo (quận 3, TPHCM). Từ năm học thứ nhất, thầy giáo của trường đã giới thiệu anh đến các công trình để làm việc. Anh kể: “Ngoài kiến thức thực tiễn, làm thêm giúp tôi có chi phí để trang trải cuộc sống. Mình con nhà nông, cực quen rồi, lên đây vừa đi học, vừa đi làm, tôi vẫn thấy khỏe”.

Năm 2009, anh vào làm việc tại Xí nghiệp bao bì Liksin với vị trí nhân viên bảo trì. Anh nhớ lại: “Nhiều cái tôi không biết, tôi hỏi đàn anh đi trước hoặc lên mạng tìm kiếm. Mỗi lần xí nghiệp nhập máy mới, có chuyên gia nước ngoài về lắp ráp, tôi chú ý từng chi tiết nhỏ để học theo”.

Khi đã quen việc, quen máy, anh bắt đầu chú ý đến những chỗ được và chưa được của máy móc để đề xuất ý kiến cải tiến. Anh Long bộc bạch: “Ở Liksin có truyền thống phát huy sáng kiến, một ý tưởng dù rất nhỏ cũng được ghi nhận nên anh em rất hào hứng. Lúc đó, tôi đang là nhân viên bảo trì, tôi thấy cái máy quấn biên ở xí nghiệp hay hỏng, nguyên nhân là hoạt động bằng cơ, điều khiển bằng điện áp trực tiếp nên luôn chạy ở mức cao nhất gây tốn năng lượng lại không hiệu quả. Tôi mới chế ra bộ điều khiển tự động, có bộ inveter tiết kiệm điện. Sáng kiến đó được xếp loại B, tôi được nhận thưởng. Vui lắm!”.

Công việc đa phần là vui vì năm nào ít anh Long cũng có 5-6 sáng kiến cải tiến, nhiều thì… không thể nhớ hết. Tuy nhiên, lắm lúc căng thẳng, làm việc đến 11, 12 giờ đêm là chuyện thường, đó là khi máy hỏng, tìm hoài không ra nguyên nhân.

“Có lần, chúng tôi sửa một cái máy mất 3 tháng do máy bị lỗi chương trình, không chạy được. 3 tháng tìm tòi, mày mò, sửa chữa, nếu mình thấy vất vả thì là vất vả nhưng nếu mình thấy đó là cơ hội thì mình sẽ học được nhiều, trưởng thành hơn. Đặc biệt, khi máy hoạt động trở lại, niềm vui lớn lắm” – anh Long bộc bạch.

Nói về những sáng kiến, anh mỉm cười, hai bàn tay đan vào nhau: “Chính xác là tôi mê việc, muốn cho công việc trôi chảy, cho anh em đỡ vất vả, tiết kiệm năng lượng. Rồi quá trình làm việc, thấy cái gì cần khắc phục thì mình suy nghĩ, sáng kiến tự nhiên đến thôi”.

Từ nhân viên bảo trì, anh Long được lãnh đạo cất nhắc làm tổ trưởng, nay là Phó quản đốc tại Xí nghiệp Bao bì Liksin. Ông Nguyễn Thanh Giang – Phó Chủ tịch CĐ TCty Liksin, nhận xét: “Long là một người hiền lành, dân kỹ thuật nên ít nói nhưng làm nhiều. Giao nhiệm vụ cho Long là an tâm. Không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc, Long còn hỗ trợ cho thợ trẻ, nhiều người được Long hướng dẫn lại có những sáng kiến được nhận giải thưởng”.

Lê Tuyết

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/giai-thuong-nguyen-duc-canh-nguoi-noi-it-lam-nhieu-621495.ldo