Giải thưởng, danh hiệu cho nghệ sĩ ngày càng 'giảm giá', vì đâu?

Làm thế nào để động viên, khích lệ nghệ sĩ không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật mà không làm giảm giá trị của giải thưởng, danh hiệu đang là bài toán khó, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa có những giải pháp thấu lý đạt tình.

Danh hiệu, giải thưởng là những phần thưởng, sự ghi nhận thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật, những đóng góp tích cực của nghệ sĩ đối với đất nước, xã hội, cộng đồng.

Nhưng, càng ngày các danh hiệu, giải thưởng, trong đó có cả những danh hiệu mặc nhiên được công nhận là phần thưởng cao quý, danh giá nhất cho người nghệ sĩ cũng đang bị giảm giá trị trong đời sống và trong chính giới hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Làm thế nào để động viên, khích lệ nghệ sĩ không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật mà không làm giảm giá trị của giải thưởng, danh hiệu đang là bài toán khó, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa có những giải pháp thấu lý đạt tình.

Nghệ sĩ nhân dân nhưng công chúng không biết là ai

Câu chuyện về số lượng danh hiệu, giải thưởng, huy chương nhằm vinh danh các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích, đóng góp trong hoạt động văn hóa nghệ thuật không tỷ lệ thuận với chất lượng là vấn đề âm ỉ khá nhiều năm nay.

Nhưng có lẽ, đợt tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) do Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây là lần đầu tiên và hiếm hoi mà các nghệ sĩ đồng loạt thẳng thắn phản ánh về tình trạng danh hiệu này ngày càng giảm chất lượng.

Được tổ chức phong tặng lần đầu tiên vào năm 1984, danh hiệu NSND, NSƯT là vinh dự cao quý của Nhà nước dành tặng các nghệ sĩ. Đến nay, đã có 9 đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Số lượng nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu các đợt sau ngày càng cao, thậm chí có khi tăng gấp đôi so với các đợt phong tặng, truy tặng trước đó.

Thống kê cho thấy, riêng danh hiệu NSND, số lượng nghệ sĩ được phong tặng trong 2 đợt gần nhất là đợt 8 - năm 2015, đợt 9 - năm 2019 (186 nghệ sĩ) đã gần bằng tổng số nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu này trong 6 đợt đầu (191 nghệ sĩ).

Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho đời sống văn hóa nghệ thuật của nước nhà nếu như việc đó không bị chính người trong cuộc, nhiều nghệ sĩ lão luyện của nhiều lĩnh vực nghệ thuật cùng khẳng định: Càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ được phong tặng NSND, NSƯT nhưng thực lực và sức ảnh hưởng trong giới hoạt động nghệ thuật, trong công chúng không cao. Không chỉ có danh hiệu mà giải thưởng, huy chương của các liên hoan, hội diễn, cuộc thi cũng đang ngày càng “mất giá”.

Hàng loạt nghệ sĩ kiến nghị thay đổi tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Hàng loạt nghệ sĩ kiến nghị thay đổi tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thẳng thắn bày tỏ: Theo quy định, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT dựa trên 4 tiêu chuẩn, nhưng mang tính quyết định và được Hội đồng cấp cơ sở xem xét, quyết định vẫn là số lượng giải Vàng, huy chương mà nghệ sĩ giành được có đạt hay không. Thực tế, huy chương, giải thưởng chưa phản ánh chính xác, bao quát được năng lực, sự cống hiến, sức ảnh ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với cộng đồng, người trong nghề.

Có những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT năm trước, năm sau đã có đủ số giải thưởng, huy chương theo tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu NSND. Bởi lẽ, nghệ sĩ này là diễn viên chính của đơn vị, nhà hát, gần như có vở diễn là được giao vai chính. Tác phẩm được đầu tư kinh phí dàn dựng, đưa đi liên hoan, hội diễn, đạt giải thưởng cao, diễn một vài suất là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Việc quy đổi các giải Bạc trong nước và quốc tế khác của cá nhân hoặc tập thể sang giải Bạc quốc gia cũng như tỷ lệ quy đổi của giải Vàng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Nhiều nghệ sĩ đạt giải quốc tế, khu vực nhưng giá trị giải thưởng này như thế nào thì ít người rõ. Thế nên, có những nghệ sĩ được phong tặng NSND nhưng công chúng vẫn không biết là ai.

NSND Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cũng chỉ ra rằng, xét giải Vàng, huy chương mới chỉ là xét cái ngọn, chưa phải là xét từ gốc của vấn đề. Các cuộc thi, liên hoan, hội diễn được tổ chức nhiều nhưng giá trị của các giải Vàng, giải Bạc, Huy chương Vàng, Huy chương Bạc có đúng giá trị là Vàng, là Bạc hay không?

Nhiều cuộc thi, nhiều liên hoan, nhiều Ban giám khảo, Hội đồng nghệ thuật khác nhau và mỗi Ban giám khảo, Hội đồng lại chấm giải theo các “gu” khác nhau. Cùng một tác phẩm nhưng có khi quan điểm của Hội đồng này khác Hội đồng kia, trong khi tác phẩm đạt giải không đến với công chúng. Vì vậy, phải tính toán xem xét rất kỹ lưỡng về tiêu chí này. Việc quy đổi, góp nhặt giải thưởng, huy chương để quy đổi ra Huy chương Vàng để xét tặng danh hiệu là không ổn.

Một tiết mục đạt giải Vàng cho tập thể hơn chục người, mỗi người được tỷ lệ bao nhiêu % của giải Vàng. Góp nhặt nhiều lần như thế cũng sẽ đủ số Huy chương, trong khi, danh hiệu được trao là vinh danh đóng góp của cá nhân. Theo NSND Nguyễn Văn Quang, một số diễn viên nếu quy đổi, góp nhặt như thế, họ thừa đủ tiêu chuẩn để phong tặng danh hiệu. Trong thực tế, thực lực trong nghề, ảnh hưởng trong cộng đồng rất mờ nhạt; việc những cá nhân này được phong tặng danh hiệu khiến danh hiệu càng ngày càng đi xuống.

Nghệ sĩ Trần Hạnh dù rất nổi tiếng nhưng từng 3 lần trượt danh hiệu NSND.

Làm gì để nâng cao giá trị danh hiệu?

Thực tế, những vấn đề về giải thưởng mà NSND Lê Tiến Thọ và NSND Nguyễn Văn Quang đề cập cũng đã tồn tại trong đời sống văn học - nghệ thuật nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, mỗi năm hàng loạt các cuộc thi, liên hoan, hội diễn được tổ chức và Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo đôi khi chấp nhận việc chọn trao giải thưởng cao của kỳ cuộc như là “so bó đũa chọn cột cờ”.

Ban tổ chức và người trong nghề, kể cả những người theo dõi và phản ánh các hoạt động này trên phương tiện thông tin đại chúng đều có chung tâm lý xuê xoa, “9 bỏ làm 10”, như là cách động viên nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ biểu diễn của những bộ môn nghệ thuật kén khán giả, vắng khán giả. Dù rằng, gần như kết thúc đợt thi nào cũng đều kéo theo những “cơn mưa” giải thưởng.

Thậm chí, có những kỳ cuộc, giải thưởng được trao vượt cả tiêu chuẩn đề ra ban đầu. Chỉ có điều, giải thưởng được trao theo tinh thần “động viên là chính” ấy lại mặc nhiên trở thành tiêu chuẩn, điều kiện để được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Chưa kể, hiện nay, ngay cả các cuộc thi, giải thưởng cấp khu vực, quốc tế cũng đang còn nhiều vấn đề.

Bởi, như TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam từng chia sẻ thì riêng với lĩnh vực điện ảnh, mỗi năm trên thế giới có cả ngàn giải thưởng, có vài trăm cuộc thi. Còn đạo diễn, nhà sản xuất phim độc lập Lương Đình Dũng, cố vấn Liên hoan Phim quốc tế Tallinn Black Nights cũng cho hay, sau một vài năm lặn lội đưa phim đi tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế, anh nhận ra rằng, nhiều liên hoan, Ban tổ chức lập ra chỉ phục vụ mục đích để thu phí của đơn vị, cá nhân tham dự. Thực tế, giải thưởng không có giá trị nhiều nhưng không ít người thiếu thông tin vẫn mặc nhiên chấp nhận đó là giải thưởng quốc tế.

Tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện đang gây nhiều tranh cãi (ảnh minh họa).

Danh hiệu, giải thưởng là những phần thưởng, sự ghi nhận thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật, những đóng góp tích cực của nghệ sĩ đối với đất nước, xã hội, cộng đồng. Nhưng, làm thế nào để động viên, khích lệ nghệ sĩ không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật mà không làm giảm giá trị của giải thưởng, danh hiệu đang là bài toán khó, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa có những giải pháp thấu lý đạt tình. Danh hiệu NSND, NSƯT càng không phải là ngoại lệ.

GS-TS - NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho rằng, tôn vinh nghệ sĩ là cần thiết nhưng phải có cách tôn vinh cho chính xác, trước hết phải định nghĩa cho chính xác thế nào là NSND, NSƯT. Đã là NSND thì trước hết phải là nghệ sĩ xuất chúng. Không thể cộng những năm tháng, tiết mục đã thực hiện lại để trở thành NSND. Những người cao tuổi, thuộc về lịch sử có thể xét đặc cách nhưng không nên quá đại trà.

Nghệ sĩ có nhiều năm tháng hoạt động nghệ thuật không nhất thiết phải là NSND mà nên có sự an ủi, chính sách khác, có thể là chính sách từ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội dành cho người lao động. Ở nhiều quốc gia, một nghệ sĩ được công nhận là ưu tú hay là NSND còn buộc phải đảm bảo tiêu chí biểu diễn ít nhất 50 chương trình hoặc 80 chương trình/ năm. Với nghệ sĩ trong nước, đây có thể là tiêu chí để tham khảo.

Với nhà quản lý, càng không nên vì quá yêu quý nghệ sĩ vinh danh, trao giải thưởng cho những người chưa thực sự xứng đáng, sau đó lại lấy chính giải thưởng này để làm thành tích, thành điều kiện để có được các danh hiệu khác.

Minh Hải

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/giai-thuong-danh-hieu-cho-nghe-si-ngay-cang-giam-gia-vi-dau-570783/