Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Tạo dựng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam

Tiếp nối những mùa giải trước, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018 đã tìm ra được 75 doanh nghiệp, trong đó có 22 doanh nghiệp xuất sắc đạt giải Vàng.

Trước thềm lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) năm 2018 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia GTCLQG đã có cuộc trao đổi với Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) trước lễ trao giải thưởng danh giá này.

Thưa Thứ trưởng, theo thông tin từ Hội đồng Giải thưởng, năm 2018 có 80 doanh nghiệp được đề xuất GTCLQG nhưng kết quả cuối cùng chỉ có 75 doanh nghiệp đạt giải. Xin Thứ trưởng cho biết lý do 5 doanh nghiệp bị loại là gì?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đúng vậy, qua quá trình xét giải có 80 doanh nghiệp được lọt vào đến vòng cuối tuy nhiên sau khi rà soát lại thì có một số yếu tố các doanh nghiệp này vẫn còn chưa đáp ứng theo đúng yêu cầu. Nổi bật vẫn là những tồn tại về môi trường trong quá trình sản xuất như vấn đề về xả thải, xả khí hoặc không đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Sau khi xem xét, rà soát lại, các doanh nghiệp không đảm bảo đã bị Hội đồng Giải thưởng đã loại ra chỉ giữ lại còn 75 doanh nghiệp như bạn đã biết.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trong trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn)

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trong trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn)

Nói về vấn đề môi trường chúng ta lại nhớ đến trước đây có doanh nghiệp cũng đã được đề cử Giải Vàng sau đó bị loại ở phút cuối. Năm nay doanh nghiệp đó bước lên bục cao nhất của GTCLQG, Thứ trưởng nhận định như thế nào về sự trở lại của doanh nghiệp này?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đúng là những năm trước đây có doanh nghiệp quy mô sản xuất, doanh số, lợi nhuận đều rất tốt, đáp ứng 6/7 tiêu chí, duy chỉ có tiêu chí môi trường là không đạt thì nhất định phải bị loại. Sau một thời gian họ đã xây dựng lại hệ thống xử lý môi trường, đáp ứng và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo 7 tiêu chí của Giải thưởng thì chẳng có lý do gì chúng ta lại không chấp nhận họ và đưa họ vào trong danh sách đạt giải.

Điều này khẳng định chính nhờ có Giải thưởng mà các doanh nghiệp đã phấn đấu, đã thay đổi hệ thống quản lý chất lượng của mình, đầu tư vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng, có khả năng cạnh tranh và đảm bảo yếu tố môi trường khi hoạt động tại Việt Nam.

Hiện Bộ KH&CN đang chủ trì rất nhiều những giải thưởng danh giá, theo ông thì những giải thưởng như thế này mang lại ý nghĩa như thế nào cho các nhà khoa học cũng như cho những doanh nghiệp?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Bộ KH&CN thực hiện những giải thưởng Nhà nước như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ hay Giải thưởng Tạ Quang Bửu là những giải thưởng dành cho những người nghiên cứu, dành cho các cán bộ khoa học công nghệ ở các viện nghiên cứu, các trường đại học có những công trình nghiên cứu xuất sắc, có tầm cỡ, được đánh giá.

Còn đối với GTCLQG, chúng ta quan tâm nhiều đến việc các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất của mình, và đây được xem như một nhân tố rất quan trọng giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp một cách bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất tốt, đưa ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Chúng ta đánh giá, khẳng định và tôn vinh các doanh nghiệp như vậy.

Tôi tin với Giải thưởng này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp lớn mạnh như Tân Hiệp Phát chẳng hạn, khi đại diện tập đoàn này nói rằng phấn đấu đến năm 2030 doanh số đạt 1 tỷ đô la. Nếu Việt Nam có vài trăm hoặc đến hàng nghìn doanh nghiệp như vậy thì đóng góp rất lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thưa Thứ trưởng, trên thực tế thì năm nay, các doanh nghiệp cũng tham gia một cách tích cực hơn, tăng lên nhiều hơn so với những năm trước. Ông đánh giá như thế nào về công tác triển khai giải thưởng này để lan tỏa nhiều hơn đến các doanh nghiệp?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Về phía Bộ KH&CN cũng như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), tôi nghĩ rằng sự đã có sự chỉ đạo rất sát sao. Tham gia Hội đồng Giải thưởng tôi thấy rằng chúng ta làm rất kỹ, rà soát rất kỹ các doanh nghiệp từ Hội đồng cơ sở đến Hội đồng Quốc gia. Về phía Tổng cục TCĐLCL, việc tổ chức các Hội đồng hết sức chu đáo và nghiêm túc, cụ thể từng tiêu chí. Đáng chú ý có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đánh giá các doanh nghiệp ở tận cơ sở.

Do vậy những doanh nghiệp được đánh giá lần này theo tôi là rất tiêu biểu và xứng đáng nhận GTCLQG lần này. Ngoài ra còn có 2 giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương trong đó có doanh nghiệp đạt được giải cao nhất trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương là rất đáng quý.

Trong những năm tới, GTCLQG sẽ có những đổi mới gì để thu hút nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tham gia giải thưởng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Qua kết quả thực hiện hoạt động tôn vinh khen thưởng những năm qua, đặc biệt là qua 12 năm thực hiện GTCLQG theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thu được rất nhiều kết quả. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô cũng như phát triển giải thưởng theo cả chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với các hình thức tôn vinh, khen thưởng về chất lượng phổ biến hiện nay tại khu vực và quốc tế, tạo tiền đề quan trọng cho Việt Nam hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế .

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định về GTCLQG theo hướng tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đẩy mạnh sự tham gia của các bộ ngành, tăng cường việc khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp đạt Giải nhằm đẩy mạnh hoạt động GTCLQG, khuyến khích các doanh nghiệp tham dự. Các nội dung sửa đổi, bổ sung về GTCLQG là một bước phát triển mới của hoạt động này, tăng cường hơn nữa việc khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất - chất lượng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hà Thủy (thực hiện)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/giai-thuong-chat-luong-quoc-gia-tao-dung-phat-trien-ben-vung-do-doanh-nghiep-viet-nam-d160051.html