Giải thưởng Cánh diều Vàng: Sẵn sàng cho ngày 'căng gió'

Mặc dù phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh COVID - 19 nhưng cả lĩnh vực điện ảnh và phim truyền hình Việt trong năm qua đều vượt qua khó khăn để tạo được những điểm nhấn hy vọng.Giải thưởng Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam nhằm tôn vinh những tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong năm qua đã bắt đầu được khởi động để gọi tên những tác phẩm xứng đáng...

Là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, "Cánh diều" còn thuộc "hội nhà nghề", nhằm tổng kết hoạt động sáng tạo điện ảnh và phim truyền hình trong một năm qua. Giải thưởng tôn vinh các tác phẩm, tác giả xuất sắc, qua đó kịp thời động viên, khích lệ lao động nghệ thuật của những người làm điện ảnh, truyền hình trên cả nước.

Với tiêu chí: Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả hoạt động xã hội tích cực, Giải thưởng Cánh diều 2020 đang bắt đầu bước vào cuộc đua tranh giải.

Theo đó, đối tượng tham dự giải Cánh diều 2020 là các cơ sở sản xuất phim điện ảnh và truyền hình trong nước; cá nhân là đạo diễn phim ngắn dưới 30 tuổi; các cá nhân, đơn vị xuất bản có ấn phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình về nghệ thuật điện ảnh và phim truyền hình. Trong đó cá nhân tác giả và chủ sở hữu tác phẩm chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm khi đăng ký tham dự giải thưởng Cánh diều 2020.

Phim "lật mặt: 48 giời" liệu có tạo được cơn sốt phòng vé?

Phim "lật mặt: 48 giời" liệu có tạo được cơn sốt phòng vé?

Cơ cấu giải thưởng năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước đó. Sẽ có các giải Cánh diều Vàng, Bạc và Bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc nhất của phim điện ảnh, phim truyền hình, phim ngắn, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim khoa học, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh, truyền hình.

Các giải cá nhân bao gồm Nam/ Nữ diễn viên chính, phụ xuất sắc nhất; đạo diễn của các thể loại phim hoạt hình, khoa học, tài liệu. Giải biên kịch, đạo diễn và diễn viên nam, nữ chính của thể loại phim truyền hình, cùng các thành phần sáng tác chính của phim truyện điện ảnh như biên kịch, đạo diễn, quay phim, âm nhạc...

Các tác phẩm đăng ký dự giải thưởng Cánh diều phải được sản xuất từ 1-1-2020 đến thời điểm đăng ký dự giải và chưa dự Giải Cánh diều trước đó. Những cơ sở có dưới 4 phim (dưới 5 phim đối với phim Tài liệu) được gửi 1 phim tham dự.

Đối với công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh - truyền hình được thực hiện hay xuất bản từ 1-1-2020 đến thời điểm đăng ký dự giải và chưa từng tham dự giải thưởng Cánh diều trước đó. Đối với tác phẩm cần đạt được những yêu cầu như: phim điện ảnh có độ dài tối đa không quá thời lượng một suất chiếu rạp.

Phim truyền hình có độ dài (theo tập) không hạn chế. Phim ngắn (truyện, tài liệu, hoạt hình) phải do các tác giả dưới 30 tuổi thực hiện và có độ dài dưới 30 phút. Phim điện ảnh, truyền hình và phim ngắn các thể loại do người Việt (người Việt mang quốc tịch nước ngoài, người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) thực hiện, có ngôn ngữ thể hiện là tiếng Việt và chủ sở hữu thuộc Việt Nam.

Thời hạn nhận tác phẩm tham dự giải thưởng Cánh diều với Phim truyện truyền hình trước ngày 26-2, phim điện ảnh trước ngày 26-3, phim khoa học, tài liệu, hoạt hình, phim ngắn trước ngày 19-3, công trình nghiên cứu lý luận phê bình trước ngày 5-3. Lễ trao giải thưởng Cánh diều dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 4 tại Hà Nội.

Như vậy có thể nói, đến thời điểm này, các hạng mục của giải thưởng Cánh diều 2020 đã dần hoàn thiện danh sách. Trước đây, Ban tổ chức giải thưởng Cánh diều quy định Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa điểm thay nhau đứng ra tổ chức giải thưởng Cánh diều.

Tuy nhiên, giải thưởng Cánh diều 2019 vì tác động của dịch bệnh đã phải dời lịch tổ chức nhiều lần. Cuối cùng, giải thưởng được trao theo hình thức trực tuyến ở 2 đầu cầu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chỉ có các nghệ sĩ, đại diện đoàn làm phim, chủ nhân các công trình tới nhận giải, hoàn toàn vắng bóng khán giả.

Vì hoàn cảnh khách quan, Cánh diều 2019 không được tổ chức tập trung, tưng bừng nhưng lại là năm có nhiều tác phẩm xuất sắc ở cả lĩnh vực phim truyện điện ảnh và phim truyền hình. Giải thưởng cao nhất dành cho phim truyện điện ảnh thuộc về "Hạnh phúc của mẹ" và phim truyền hình là "Về nhà đi con". Năm nay, dịch bệnh đã được khống chế, nhiều khả năng việc trao giải tập trung sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, các phương án dự phòng với dịch bệnh cũng đã được tính đến.

Dù giải thưởng Cánh diều có nhiều hạng mục khác nhau nhưng có 2 hạng mục thu hút được sự quan tâm nhất của người làm nghề cũng như của công chúng là phim truyện điện ảnh và phim truyền hình. Năm qua, lĩnh vực phim truyện điện ảnh chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh nên tổng số lượng phim sản xuất trong năm chỉ bằng một nửa năm ngoái. Dù vậy, nhìn vào những bộ phim ra rạp lại thấy có nhiều điểm sáng, hé lộ cuộc đua không kém phần gay cấn.

Trong bối cảnh phim Việt ít phải cạnh tranh với phim bom tấn nước ngoài, công chúng càng dễ nhận thấy những ứng viên ngang sức ngang tài như "Mắt biếc", "Chị chị em em", "Ròm", "Tiệc trăng máu", "Bố già," "Gái già lắm chiêu"... Trong số đó, Một số phim đã tạo được cơn sốt phòng vé với doanh thu khủng như "Ròm", "Tiệc Trăng máu" và hiện tại là "Bố già"...

Tuy nhiên, những bộ phim đã được sản xuất trong năm chỉ chờ ngày ra rạp như "Lật mặt", "Trạng Tí"... vẫn là những ẩn số thú vị. Dù số lượng phim sản xuất ít nhưng tỉ lệ phim có doanh thu cao lại nhiều hơn là đặc điểm dễ nhận thấy ở bức tranh phim truyện điện ảnh năm nay. Nhìn vào số lượng khán giả tới rạp khi dịch bệnh được khống chế cho phim Việt vẫn luôn nhận được sự yêu mến đáng tự hào.

Một cảnh trong phim truyền hình “Hồ sơ cá sấu”.

Không chỉ đa dạng về đề tài, thể loại, phim truyện điện ảnh năm nay còn cho thấy sức bật của những nhà làm phim độc lập. Sự thành công về mặt doanh thu của "Ròm" (đạo diễn Trần Thanh Huy) cho thấy phim độc lập đã phá vỡ quan niệm lâu nay rằng phim độc lập chỉ hợp chinh phục đi tham gia các LHP quốc tế. Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng dòng phim này cũng nâng cao với "Sài Gòn trong cơn mưa", "Trái tim quái vật", "Chồng người ta", "Hoa phong nguyệt vũ"...

Bởi ảnh hưởng của COVID - 19 nếu như phim điện ảnh gặp khá nhiều khó khăn thì phim truyền hình lại khẳng định được vị trí của mình trong lòng công chúng. Năm qua, những người làm phim truyền hình cũng không ngừng vượt khó để sản xuất một loạt bộ phim truyền hình nối sóng, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả.

Bức tranh phim truyền hình năm nay được đánh giá là phong phú, đa dạng về đề tài, đề cập đến nhiều góc cạnh của đời sống. Chất lượng các phim khá đồng đều. Vì vậy, đây cũng sẽ là điều không dễ dàng với ban giám khảo ở thể loại phim này.

Được đánh giá cao trong số các phim truyền hình sản xuất trong năm 2020 là các phim như "Sinh tử" - phim mang màu sắc hình sự, điều tra với chủ đề nóng là tội phạm tham nhũng và lợi ích nhóm. Cùng màu sắc với "Sinh tử" còn có "Kẻ sát nhân cô độc" khai thác đề tài tâm lý tội phạm với tiết tấu nhanh, kịch bản hấp dẫn, diễn viên hóa thân xuất sắc.

Phim về đề tài tâm lý có thể nhắc đến "Cô gái nhà người ta", "Đừng bắt em phải quên", "Tình yêu và tham vọng". Ngoài ra "Hồ sơ cá sấu" hay "Cát đỏ" cũng là những điểm nhấn thú vị trong đời sống phim truyền hình năm qua. Đặc biệt, bộ phim "Cát đỏ" với bối cảnh phim là miền cát trắng cùng những thân phận người phụ nữ trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc đã thực sự mang đến một hương sắc riêng.

Ngoài ra, những bộ phim như "Lửa ấm", "Trói buộc yêu thương", "Lựa chọn số phận", "Luật trời", "Hướng dương ngược nắng"... đã cho thấy những người làm phim truyền hình không ngừng tìm tòi, sáng tạo để phục vụ khán giả. Không chỉ được đầu tư về kịch bản, kinh phí, cách thức làm phim hiện đại, đội ngũ diễn viên đảm nhiệm các vai diễn cũng ngày càng có chuyên môn cao.

Từ những nghệ sĩ tên tuổi cho đến những diễn viên mới vào nghề đều đã hóa thân tròn trịa vào vai diễn. Cho đến thời điểm này, vẫn còn quá khó để xác định tác phẩm nào sẽ được vinh danh ở từng thể loại. Tuy nhiên, với những gì mà công chúng được thưởng thức trong thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo của các nhà làm phim Việt Nam. Và khán giả hoàn toàn có quyền hy vọng vào một kỳ Cánh diều nhiều bất ngờ, thú vị.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/giai-thuong-canh-dieu-vang-san-sang-cho-ngay-cang-gio-634319/