Giải thoát ám ảnh sợ hãi khi đi qua cầu khỉ

Travel+Leisure, tạp chí du lịch hàng đầu thế giới vừa công bố danh sách những cây cầu đáng sợ nhất thế giới khiến người dân và du khách thót tim khi đi qua.

Học sinh run rẩy khi qua cây cầu khỉ. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tú.

Học sinh run rẩy khi qua cây cầu khỉ. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tú.

Có không ít trường hợp trẻ nhỏ và người dân bị tai nạn thương tích, thậm chí tử vong khi qua những chiếc cầu khỉ này. Trước vấn nạn đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã xây những cầu bê tông vững chắc dành tặng các em học sinh đến trường và bà con nhân dân nơi đây sau bao năm bị “ngăn sông cách chợ” vì chiếc cầu khỉ chênh vênh.

Những vụ thương vong từ cầu khỉ đau lòng

Những chiếc cầu khỉ thường thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, được làm từ thân tre hoặc thân cây gỗ độc mộc với hàng tay vịn không kém phần thách đố người qua lại. Dường như chỉ có những chú khỉ khéo léo mới có thể vượt qua cây cầu này mà không bị rơi xuống nước. Tuy nhiên, đó không phải lí do người dân đặt tên là cầu khỉ, mà nguồn gốc tên gọi là từ dáng người đi qua cầu thực sự giống những chú khỉ.

Ngày 30/9/2016, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 kịp thời cứu sống một bé trai 3 tuổi bị một khúc cây đâm xuyên vùng má. Bé trai là H.M.L con anh Nguyễn Khánh Tuấn (34 tuổi, ngụ Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Anh Tuấn là người gặp nạn cùng bé L thuật lại vụ việc, sáng 27/ 9/2016, anh Tuấn cùng vợ đưa con gái lớn đi học sau đó cùng cháu L và vợ trở về nhà ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Sau đó một lúc, anh Tuấn bế cháu L qua cầu khỉ (cây cầu bằng cây bắc qua rạch Lắp Dầu) để ra chợ. Đến giữa cầu thì khúc cây làm cầu bị gãy khiến anh Tuấn và cháu L ngã xuống rạch Lắp Dầu. Bé L bị khúc cây dài khoảng 20cm nằm dưới rạch đâm vào má qua thái dương lên đến trán. Hoảng hốt trước sự cố trên, anh Tuấn cùng người nhà bế cháu L vào Bệnh viện Đa khoa huyện Nhà Bè cấp cứu. Sau khi sơ cứu, bác sĩ của bệnh viện đã chuyển cháu L cùng khúc cây còn dính trên mặt vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục cấp cứu.

Tại ấp Bình Phú, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (Bến Tre), khi một mình đi qua cầu khỉ, bé Nguyễn Thị Lam Bình (học sinh lớp 4) chẳng may sa chân và bị dòng nước cuốn trôi vào giữa năm 2010. Tờ mờ sáng hôm đó, Bình lẳng lặng qua cầu một mình vì ngại đánh thức mẹ. Để rồi vào buổi chiều cùng ngày, mọi người tìm thấy xác cô bé trôi theo dòng nước cách chiếc cầu hơn 1 km.

Người dân nơi đây cho biết với loại cầu này, trẻ con và người già phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Nếu không trực tiếp dẫn dắt, họ sẽ đứng phía bên kia bờ giám sát người nhà đi hết cây cầu nhằm đề phòng trường hợp lỡ sẩy chân thì hô lên để mọi người đến tiếp cứu…

Sau cả đêm lặn sông tìm kiếm, anh Lâm Lêl (sinh năm 1980, ngụ xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) mới thấy xác con gái Lâm Thị Mỹ Hằng (5 tuổi) dưới kênh ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Sự việc đau lòng xảy ra, khi anh Lêl chở hai con gái là cháu Lâm Thị Hiền (13 tuổi) và cháu Hằng đi dự đám cưới của một người bà con ở ấp Bưng Chông. Trên đường về nhà, khi qua cầu Bưng Chông, anh Lêl bị lạc tay lái khiến cả ba cha con cùng chiếc xe gắn máy bị rơi xuống kênh.

Theo quan sát của phóng viên, cây cầu nơi cháu Hằng bị nạn có chiều dài khoảng 20m, rộng khoảng 1m chỉ đủ cho một chiếc xe đi lọt. Những cây bạch đàn dùng làm dầm cầu cũng bị lung lay, lan can được làm bằng mấy cây tre nhưng đã bị gãy từng đoạn. Không chỉ có vậy, dù cầu đã quá yếu nhưng phải cõng bên hông một ống dẫn nước sạch có đường kính trên 114mm, được neo bằng mấy sợi dây thép mỏng manh.

Ngày 22/11/2009, đó là cái ngày định mệnh cách đây đã tròn 10 năm mà các thầy cô giáo trường tiểu học Tây Yên 2 (Kiên Giang) khó thể nguôi ngoai trước sự ra đi đột ngột của em Trần Thị Bé Ngoan, học sinh lớp 3. Hôm ấy, Bé Ngoan đi qua cây cầu khỉ ở ấp Gạch Cốc thì bị té sông đuối nước thương tâm, đến đêm gia đình mới tìm thấy thi thể của em trôi dưới kênh ở địa điểm gần cây cầu khỉ. Có lẽ, Ngoan đã không may mắn như các bạn học sinh khác khi ngã xuống sông thì được thầy cô, người nhà và những người dân ở đây phát hiện cấp cứu kịp thời.

Sau sự việc đau lòng xảy ra với em, khiến hàng chục em học sinh khác không dám đi học vì các phụ huynh sợ các em đi học qua cầu khỉ bị té sông. Cũng kể từ đó, những ngày mưa phụ huynh và giáo viên phải thường xuyên túc trực hai đầu cầu để giúp đỡ các em qua sông an toàn.

Các em học sinh sung sướng khi băng qua cây cầu bê tông chắc chắn, an toàn để tới trường.

Những cây cầu mới giúp học sinh vui bước tới trường

Tại nhiều địa phương, học sinh vẫn phải đến trường trên những cây cầu khỉ chênh vênh hay cầu tạm hàng chục năm tuổi, còn thầy cô giáo mất nhiều tiếng đồng hồ để tới điểm trường.

Ở các vùng sông nước, hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt, đường giao thông hạn chế, vẫn còn nhiều cây cầu khỉ, cầu tạm thô sơ khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đó là hình ảnh người dân và học sinh tại ấp Phước Thái B, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long hàng ngày phải di chuyển qua cây cầu khỉ được dựng tạm bợ trong suốt 18 năm qua, nhưng lại là phương tiện lưu thông ngắn nhất nối các ấp với đường chính. Đó là cảm giác thót tim khi đoàn khảo sát di chuyển trên các cây cầu mặc dù được gọi là cầu bê tông, nhưng đã xuống cấp trầm trọng và rung lên khá mạnh mỗi khi đi qua.

Và, trăn trở hơn tất cả là nỗi khát khao có cây cầu bắc qua sông để con đường đến trường được gần hơn của các em học sinh tại xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Văn Khá - người ngày ngày túc trực tại cây cầu để hỗ trợ các em tới trường cho hay, cả ấp có mỗi một cây cầu là cầu Út Ốm. Sông thì sâu, cầu lại cao, người lớn đi không quen còn run cầm cập, nhiều người bị té, văng đồ. Ấy vậy mà tụi nhỏ vẫn cần mẫn băng qua mỗi ngày. Những em bé quá thì ba mẹ phải dẫn qua chứ không tự đi được, còn nếu đi bộ rất xa, đường đất bùn lầy rất khó đi. “Vào những hôm trời mưa, cầu Út Ốm càng trơn trượt hơn, nhìn tụi nhỏ đi qua mà xót, chỉ sợ có đứa nào té xuống thì khổ”, ông Khá nói.

Dự án “Xây cầu đến lớp” ra đời với mục đích nhằm xây dựng những cây cầu dân sinh tại vùng nông thôn, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tham gia giao thông, phát triển kinh tế vùng miền và đặc biệt hơn là giúp học sinh đến trường thuận tiện, an toàn. Dự án cũng là một phần trong nỗ lực hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Đây dự án Hỗ trợ phát triển cho trẻ em các vùng khó khăn do Grab cùng cộng đồng đã chung tay đóng góp thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với kinh phí 4 tỷ 660 triệu đồng cho năm thứ I. Dự án bắt đầu được triển khai từ tháng 5/2019.

Sau hơn một năm thực hiện, Dự án đã triển khai xây dựng, khánh thành và đưa vào sử dụng 05 cây cầu dân sinh tại 03 tỉnh (Vĩnh Long 02 cầu, Tiền Giang 01 cầu, Hà Giang 02 cầu) với khoảng 2.700 trẻ em hưởng lợi.

Dự kiến năm thứ hai, dự án sẽ thực hiện hỗ trợ triển khai xây dựng 3 cây cầu dân sinh tại các vùng nông thôn, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong ước “Xây cầu đến lớp” sẽ đón nhận nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm, nhằm sớm thực hiện ước mơ của nhiều người dân và học sinh. Đó là việc sớm có cây cầu vững chắc để con đường đến trường không còn nguy hiểm, giúp hành trình đến với tri thức của học sinh được thuận lợi hơn.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/giai-thoat-am-anh-so-hai-khi-di-qua-cau-khi-564221.html