Giải thích như đùa con được nâng điểm: Chờ lời thuyết phục

'Cách giải thích như vậy vẫn thường xảy ra trong trường hợp người ta muốn tránh tội, né tội, đổ tội cho người khác'.

Đồng tình với những băn khoăn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương tại phiên thảo luận nghị trường ngày 4/11, ông Lê Như Tiến, nguyên ĐBQH khóa XIII cũng cho rằng, việc xử lý sai phạm vụ gian lận thi cử THPT 2018 còn chưa thỏa đáng.

Ảnh: VNN

Ảnh: VNN

Trước hết, ông cũng không đồng tình với những giải thích của một số cán bộ, lãnh đạo có con em được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018.

Cụ thể, với những cán bộ, lãnh đạo có con em được nâng điểm ở Hòa Bình thì được giải thích là "chỉ nhờ xem điểm nhưng tự nhiên được nâng điểm".

Ông Tiến cho rằng, những giải thích trên không chấp nhận được. Không ai chấp nhận rủi ro, tự ý sửa điểm cho thí sinh nếu không có lời hứa hẹn, cam kết.

Hay như ở Sơn La, cũng với lời giải thích tương tự "chỉ nhờ xem điểm, không nhờ can thiệp nhưng con cái bỗng nhiên lại được sửa điểm".

Nguyên ĐBQH khóa XIII cho rằng, cách giải thích khôi hài như vậy vẫn thường xảy ra trong trường hợp người ta muốn tránh tội, né tội, muốn đổ tội cho người khác.

"Người ta nghi ngại, có những trường hợp lôi cả người nhà, gia đinh, cấp dưới để chịu tội thay còn họ vẫn yên thân trên con đường thăng tiến.

Vì thế, trong vụ xử lý tiêu cực thi cử tại 3 tỉnh trên các cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc, làm rõ sai phạm và phải xử lý triệt để", ông Tiến nói.

Vẫn theo ông Tiến, các cơ quan điều tra Việt Nam rất giỏi, và chúng ta cũng có đầy đủ các cơ quan thanh, kiểm tra, giám sát, các cơ quan dân cử... Chắc chắn họ không chỉ điều tra dựa trên những lời khai, dựa vào những giải thích của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

"Câu trả lời phải xác đáng, thuyết phục, không phải trả lời kiểu lấy lệ, trả lời cho xong", ông Tiến nói.

Đặt vấn đề như vậy, ông Tiến cho rằng, vụ việc xảy ra cả năm qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, khởi tố và truy tố một số đối tượng có liên quan, tuy nhiên, dư âm của vụ việc tới giờ vẫn chưa hết "nóng".

Những dư âm trên theo nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng là do cách xử lý còn chưa nghiêm, chưa thuyết phục, khiến dư luận hoài nghi, băn khoăn. Chỉ rõ 3 vấn đề, ông Tiến phân tích.

Thứ nhất, ông Tiến cho rằng, sau vụ việc vẫn còn nhiều câu hỏi như: "tiêu cực thi cử chỉ xảy ra tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình hay còn ở những đâu mà chưa bị phát hiện, điều tra?; Quy mô tiêu cực trong thi cử lớn tới cỡ nào? Có phải năm nay mới xảy ra hay không?...".

Đặt những câu hỏi như trên, theo ông Tiến dư luận phản ánh tính trạng tiêu cực trong thi cử không phải chỉ năm 2018 mới có và không phải chỉ có ở 3 tỉnh đã được dư luận phát hiện, phản ánh.

"ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói đúng, dư luận có nghi ngờ chạy điểm quen mui rồi, tiêu cực có từ lâu rồi chỉ là bây giờ mới phát hiện ra thôi.

Vì thế, tôi đồng tình với kiến nghị phải rà soát trên diện rộng, với tất cả các tỉnh thành trên cả nước để tìm xem còn địa phương nào, tỉnh nào cũng có tiêu cực, chạy điểm như thế không?

Nếu tiêu cực vẫn còn ở tỉnh này, tỉnh kia mà không bị xử lý dễ dẫn tới những nghi ngờ chống tiêu cực thi cử vừa qua chỉ mang tính hình thức, thụ động chứ chưa đi vào thực chất", ông Tiến nói.

Thứ hai, những phản ánh của ĐBQH trên diễn đàn nghị trường cho thấy vụ việc vẫn rất "nóng", vì có nhiều nghi ngờ công tác xử lý sai phạm còn nương nhẹ, thiếu quyết liệt, chưa dứt điểm.

Ông Tiến nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong vụ việc này như thế nào, cụ thể là vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT trong việc để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng nói trên là gì?

"Hầu hết các vụ việc đều đang nhấn tới trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương. Tới giờ cũng chỉ thấy cán bộ Sở, ngành, địa phương bị khởi tố, truy tố chứ chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương nào đứng ra chịu trách nhiệm. Vậy tôi muốn hỏi là chỉ có địa phương phải chịu trách nhiệm hay có ai phải chịu trách nhiệm về sai phạm này nữa không? Chưa thấy được nói rõ", ông Tiến băn khoăn.

Thứ ba, sau những tiêu cực nghiêm trọng xảy ra kế hoạch thi cử cho năm 2019 và nhìn rộng hơn là phương án thi cử THPT những năm tiếp theo sẽ được thực hiện như thế nào?

"Tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 là cháy rồi mới rập lửa, vậy bây giờ ngành giáo dục sẽ chống cháy như thế nào? Làm sao để tiêu cực trong thi cử không còn xảy ra nữa?", ông Tiến đặt câu hỏi.

Ông Tiến cho biết, vừa qua đã có nhiều ý kiến kiến nghị nên xét tuyển đầu vào THPT thay vì tổ chức thi tuyển, đây cũng là giải pháp cần được nghiên cứu.

Một số cán bộ có con được nâng điểm giải thích như...đùa

Theo ông Tiến, thi tốt nghiệp THPT thời gian qua đã bộc lộ quá nhiều bất cập, từ những nghi ngại chạy theo bệnh thành tích và giờ là tiêu cực, sai phạm, chạy chọt điểm thi.

"Xét tuyển bậc đại học nên để các trường tự chủ, tự lựa chọn theo tiêu chuẩn đầu vào và họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm về đầu vào cũng như chất lượng đào tạo theo cách thức của các nền giáo dục tiên tiến.

Còn với bậc THPT thì nên xét tuyển đầu vào dựa trên kết quả học tập trong suốt những năm học THCS, không nên tổ chức thi tuyển nữa.

Thi tuyển mà năm nào cũng đỗ tới 99,9% thì đỗ hết rồi, thi làm gì để vừa tốn kém kinh phí vừa gây phiền hà cho phụ huynh, học sinh lại còn tạo những kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng", ông Tiến nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giai-thich-nhu-dua-con-duoc-nang-diem-cho-loi-thuyet-phuc-3390811/