Giải quyết vướng mắc thủ tục thuế, hải quan cho doanh nghiệp phía Nam
Lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến dữ liệu hóa đơn điện tử, thủ tục hoàn thuế đối với dự án đầu tư…
Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, bất cập trong tra cứu hóa đơn điện tử hay sự bất nhất trong việc xác định mã HS đối với nguyên liệu nhập khẩu là những vấn đề chính được nhiều doanh nghiệp đặt ra tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 do Bộ Tài Chính phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/12.
Đại diện Công ty TNHH Fashion Garment Mekong nêu vấn đề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc và thường xuyên nhận gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Với hình thức gia công, doanh nghiệp thường nhập nguyên liệu mẫu phục vụ cho việc may mẫu. Các nguyên liệu này sau khi thành sản phẩm mẫu thì chỉ có giá trị tham khảo, không đưa vào thương mại, doanh nghiệp cũng không phải thanh toán chi phí nguyên liệu cho đối tác.
Để làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu mẫu, công ty khai trị giá hải quan tượng trưng. Tuy nhiên, cơ quan hải quan thường xuyên bác trị giá hải quan doanh nghiệp tự khai và áp trị giá hải quan rất cao dẫn đến phải đóng thuế cao.
Trong khi đó, đại diện Công ty logistics Long Phú phản ánh tình trạng đang diễn ra với các doanh nghiệp nhập khẩu bông rơi. Theo đó, cùng một mặt hàng bông rơi làm nguyên liệu cho ngành kéo sợi nhưng mỗi cơ quan xác định một mã số hàng hóa khác nhau.
Trong khi Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực III xác định bông rơi là nguyên liệu sản xuất và được phép nhập khẩu với thuế suất ưu đãi là 0% thì cơ quan hải quan xác định đây là phế liệu bông và đưa vào luồng đỏ, yêu cầu kiểm hóa, lấy mẫu kiểm định khiến việc thông quan kéo dài. Có trường hợp doanh nghiệp đã phải chờ thủ tục 70 ngày mới lấy được hàng ra khỏi cảng, phát sinh chi phí lưu container, lưu kho bãi tới 500 triệu đồng.
Việc này không chỉ gây tốn kém thời gian, kinh phí mà còn khiến nhiều nhà máy đối diện nguy cơ tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng có phương án thống nhất mã số hàng hóa đối với mặt hàng bông rơi, xác định đây là nguyên liệu sản xuất và giải quyết việc thông quan nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Giải đáp các vấn đề trên, ông Âu Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu thì không chịu thuế. Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng của nguyên liệu phải khai báo lại tờ khai hải quan và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Căn cứ theo theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế bên mua phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Việc xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào chứng từ, tài liệu, số liệu khách quan, định lượng được.
Đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ việc làm mẫu, nếu có căn cứ xác định trị giá hải quan do doanh nghiệp khai là hợp lý và có hóa đơn chứng từ hợp lệ thì chi cục hải quan sẽ chấp nhận. Trong trường hợp cơ quan hải quan không đồng ý với trị giá doanh nghiệp khai, thì việc tính trị giá hải quan phải áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá hải quan đã được quy định rõ tại điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC) về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Liên quan đến vướng mắc nhập khẩu bông rơi, ông Âu Anh Tuấn giải thích, bông rơi là sản phẩm bông thu được từ quá trình chải bông, do đó có lẫn tạp chất nên một số đơn vị kiểm định xác định là phế liệu. Thời gian qua, nhận phản ánh của nhiều doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan.
Theo đó, Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm bông rơi là nguyên liệu của ngành dệt may và cho phép nhập khẩu. Tuy nhiên Bộ Công Thương cũng đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đầy đủ về mặt hàng này, xác định cụ thể tỷ lệ tạp chất để phân biệt nguyên liệu hay phế liệu. Trong thời gian tới khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có phản hồi rõ ràng, cơ quan hải quan sẽ sớm thông báo rộng rãi đến doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực thuế, ông Tô Vĩnh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Miền Nam phản ánh: Công ty đang vướng mắc hồ sơ hoàn thuế từ tháng 8/2022 đến nay với khoản thuế tồn đọng chưa được hoàn lên đến hơn 200 tỷ đồng. Công ty sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu và Cục thuế địa phương đánh giá các doanh nghiệp cung cấp phế liệu cho Thép Miền Nam có rủi ro về thuế.
Do đó, hồ sơ hoàn thuế được xếp vào trường hợp phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Thời gian kiểm tra hồ sơ kéo dài, một số đơn vị cung cấp nguyên liệu cho công ty đã dừng hoạt động, cơ quan thuế không liên lạc xác minh được nên “ngâm” hồ sơ. Một số đối tác khác vướng vào hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp, dù các hóa đơn này không liên quan đến việc cung cấp nguyên liệu cho công ty nhưng hồ sơ hoàn thuế vẫn tiếp tục bị ngâm.
Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế xem xét giải quyết các trường hợp cụ thể trên nguyên tắc đơn vị nào khai thuế thì chịu trách nhiệm với thông tin khai báo của mình, đảm bảo đúng quy định pháp luật thì được hoàn thuế đúng thời hạn. Doanh nghiệp không thể chịu trách nhiệm cho các sai phạm của đối tác khi sai phạm đó không liên quan đến doanh nghiệp mình.
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin, thời gian vừa qua có nhiều doanh nghiệp thực hiện mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm trục lợi, ngành thuế đã tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp vi phạm để doanh nghiệp và cơ quan thuế địa phương kiểm tra, đối chiếu khi làm thủ tục thuế.
Theo quy định tại điều 34, 35 Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế chỉ có thẩm quyền xác minh, chưa đủ điều kiện xác định doanh nghiệp sử dụng hóa đơn hợp pháp. Khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành các bước tiếp theo.
Đối với Công ty Thép Miền Nam, việc xác định số thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được tính theo tỷ lệ giữa doanh thu hàng hóa xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu thụ trong nước. Nếu loại trừ các khoản thuế đang thuộc diện điều tra xác minh, số thuế còn lại lớn hơn 300 triệu thì sẽ được hoàn, nếu nhỏ hơn 300 triệu thì chưa đủ điều kiện hoàn thuế.
Tổng cục Thuế đề nghị Cục thuế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xác định cụ thể trường hợp của Công ty Thép Miền Nam và phản hồi cho doanh nghiệp rõ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến dữ liệu hóa đơn điện tử, thủ tục hoàn thuế đối với dự án đầu tư, thủ tục khai báo đối với việc xuất khẩu chứng chỉ năng lượng…
Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các hội nghị đối thoại được Bộ, và các đơn vị trực thuộc tổ chức thường xuyên nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục thuế, hải quan của doanh nghiệp, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Toàn bộ các vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị sẽ được tổng hợp, trả lời một cách đầy đủ, đăng tải trên các cổng thông tin điện tử của Bộ để doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và áp dụng một cách chính xác, hiệu quả.
Bộ Tài chính đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.