Giải quyết vấn đề ''nóng''

Việc bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường vào dịp cuối năm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Điều này không hề đơn giản bởi nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm dự báo tăng từ 15% đến 20%.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn ẩn chứa nguy cơ bùng phát.

Nói như vậy để thấy, để bảo đảm nguồn cung nông sản cho người dân Thủ đô, góp phần bình ổn thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội phải giải bài toán về gia tăng sản xuất bên cạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh có nhiều bất lợi.

Chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm cho thị trường Thủ đô dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động kế hoạch sản xuất một cách bài bản và trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thị trường. Ở thời điểm hiện tại, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã chủ động các phương án gia tăng sản xuất, tạo nguồn cung nông sản cho thị trường. Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết với 21 tỉnh, thành phố để tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, như đã nói, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh không thuận lợi về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan chức năng của thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp để mang lại hiệu quả cao nhất.

Trước hết, trong trồng trọt, để gia tăng nguồn cung lương thực, thực phẩm, cùng với việc mở rộng diện tích cây vụ đông lên 45.000ha, tăng gần 13.000ha so với kế hoạch, ngành Nông nghiệp Hà Nội, đặc biệt là các địa phương cần hướng dẫn các hợp tác xã cũng như người nông dân căn cứ vào ruộng đất để chọn loại cây trồng phù hợp. Trong đó chú trọng tới các loại rau củ có nhu cầu tăng cao trên thị trường như su hào, súp lơ, hành... Đồng thời, tính toán khung thời vụ và triển khai các giải pháp kỹ thuật để mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các đơn vị thủy lợi phải luôn bám sát thực tế diễn biến để kịp thời chỉ đạo điều tiết nước, bảo đảm độ ẩm đất khi gieo trồng và chống hạn kịp thời. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, dự báo chính xác, kịp thời tình hình sâu, bệnh. Nhờ đó, bảo đảm tối đa năng suất gieo trồng của người nông dân, góp phần cung cấp lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp cuối năm…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, cùng với việc tạo cơ chế cho các trang trại, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần có các giải pháp khuyến khích, phát triển đàn gia cầm; thâm canh các loại thủy sản có giá trị cao, tạo thêm lựa chọn cho người tiêu dùng... Để phát triển chăn nuôi bền vững cần hướng người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Cùng với đó cần phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương cân đối giữa nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân Thủ đô vào dịp cuối năm để xây dựng phương án cung ứng lương thực, thực phẩm. Ngoài đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở các điểm kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền trên địa bàn Thủ đô… ngành Nông nghiệp cần tăng cường kết nối sản phẩm của các nông dân trên địa bàn thành phố cung cấp tới hệ thống siêu thị, cửa hàng để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Giải quyết tốt vấn đề “nóng” trong thời điểm hiện tại là gia tăng sản xuất bên cạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn thị trường Hà Nội sẽ có nguồn nông sản dồi dào, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/984859/giai-quyet-van-de-nong