Giải quyết vấn đề nợ cho các nước nghèo nhất vẫn chỉ là cam kết

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 22/11 cam kết sẽ giải quyết vấn đề nợ của các quốc gia đang phát triển, nhưng không đưa ra được bất kỳ hành động rõ ràng nào và khiến các nhà vận động lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 21/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 21/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà lãnh đạo của G20 nhắc lại cam kết của họ đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) đã được thông qua vào tháng 4 và gia hạn vào tháng 10. Theo đó, cho phép các nước nghèo hơn tạm thời ngừng thanh toán các khoản nợ đáo hạn để có thể tập trung nguồn lực của họ cho việc chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tuyên bố mới nhất của G20 xác nhận DSSI sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2021. Hiện tại 46 trong số 73 quốc gia đủ điều kiện tham gia DSSI đã được tạm ngừng thanh toán lãi suất cho khoản nợ có tổng trị giá 5,7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhận thức rằng chỉ một chương trình như DSSI là không đủ đối với một số nước nghèo, G20 đã đồng ý một khuôn khổ chung để tái cơ cấu nợ cho một số quốc gia. Khuôn khổ này được đánh giá là mang tính "lịch sử" vì lần đầu tiên có sự tham gia của các chủ nợ tư nhân và Trung Quốc - một chủ nợ lớn khi chiếm 63% trong tổng số các khoản vay được các nước G20 gia hạn vào cuối năm 2019.

Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan gọi đây là "một bước đột phá lớn". Tuy nhiên, các nhà vận động coi đó là “giọt nước trong đại dương” khi so sánh khoản nợ trên với 11.000 tỷ USD mà các quốc gia G20 đã chi để chống lại các tác động kinh tế của đại dịch.

Phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Pháp, ông Louis-Nicolas Jandeaux, cho biết dù G20 đã phản ứng khá nhanh vào tháng 4, những hành động của nhóm cho tới hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của việc hoãn nợ cho các nước nghèo.

Ông cũng cho biết danh sách các quốc gia tham gia DSSI là quá nhỏ. Những nước có thu nhập trung bình như Liban bị loại trừ, trong khi những quốc gia khác như Kenya đã từ chối tìm kiếm cứu trợ từ chương trình DSSI vì lo ngại việc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm sẽ khiến chi phí đi vay của họ tăng lên - điều đã xảy ra với Cameroon.

Liên hợp quốc (LHQ) đã hy vọng rằng việc gia hạn sẽ có hiệu lực cho tới cuối năm 2021, nhưng G20 chỉ cho biết các Bộ trưởng ngoại giao của họ sẽ xem xét lại tình hình vào mùa Xuân năm tới.

Ngoài ra, ông Jandeaux cảnh báo khuôn khổ tái cơ cấu nợ nêu trên của G20 chỉ coi việc xóa nợ là một lựa chọn cuối cùng và không mang tính ràng buộc. Trong khi đó, thời gian đối với các nước nghèo không còn nhiều.

Hôm 18/11, Zambia đã vỡ nợ sau khi các chủ tư nhân từ chối tạm thời hoãn các khoản thanh toán nợ cho nước này. Đây là quốc gia châu Phi đầu tiên rơi vào tình trạng này trong đại dịch COVID-19.

H.Thủy/TTXVN (Theo AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giai-quyet-van-de-no-cho-cac-nuoc-ngheo-nhat-van-chi-la-cam-ket-20201123101840634.htm