Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đang là vấn đề cấp thiết, đặc biệt ở những tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) thuộc Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Các chính sách hỗ trợ và giúp đỡ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của công nhân…

Giấc mơ an cư, lập nghiệp

Làm việc tại Công ty Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) gần 2 năm nhưng chưa khi nào chị Triệu Thị Lành (quê Sóc Trăng) và gia đình yên tâm về chỗ ở. Do giá nhà trọ tăng liên tục cùng với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo nên gia đình chị đã nhiều lần phải chuyển nhà trọ. Chị Lành cho biết: “Tiền nhà trọ, điện nước hàng tháng tôi phải trả không dưới 1,5 triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí sinh hoạt khác, nên mỗi tháng vợ chồng tôi chỉ tiết kiệm được 3-4 triệu đồng. Với số tiền tiết kiệm trên, chưa biết bao giờ chúng tôi mới đủ tiền mua một căn nhà nhỏ”. Cũng giống gia đình chị Lành, nhiều công nhân trong công ty đến từ các tỉnh khác luôn mong ước có một chỗ ở ổn định để “an cư, lập nghiệp”.

 Khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Ba Son. Ảnh: TRUNG TRỰC

Khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Ba Son. Ảnh: TRUNG TRỰC

Với tốc độ tăng trưởng cao, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến từ khắp nơi trên cả nước. Một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN, KCX. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở cho công nhân lao động đang làm việc trong các KCN, KCX mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh hiện có 377.000 công nhân lao động đang làm việc trong 17 KCN, KCX và khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp, nhưng thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Tại Đồng Nai, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở, ký túc xá giá rẻ cho người lao động thuê ở; tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, phần lớn công nhân lao động nhập cư với thu nhập trung bình và thấp phải thuê nhà trọ với điều kiện sống kém, tác động xấu đến năng suất lao động. Việc thiếu nhà ở cho công nhân gần các KCN, KCX khiến cuộc sống của công nhân bấp bênh hơn và các doanh nghiệp cũng khó giữ chân người lao động lâu dài. Theo các chuyên gia, nếu giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp sẽ có lực lượng lao động ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, đóng góp tăng trưởng kinh tế; đồng thời góp phần ổn định an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương.

Chung tay giúp công nhân có nhà ở

Để công nhân tại các KCN, KCX yên tâm sản xuất, cần có sự chung tay, đồng lòng và quyết tâm lớn của chính quyền địa phương và doanh nghiệp để giải quyết nhà ở cho người lao động. Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp chăm lo chỗ ở cho công nhân tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang được các ban, ngành chức năng, doanh nghiệp triển khai, trong đó có việc nỗ lực hoàn thành các dự án nhà ở cho công nhân.

Tại hội thảo bàn về vấn đề nhà ở cho công nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hơn 100 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô 41 nghìn căn với tổng diện tích hơn 2 triệu m2 đã được hoàn thành, bố trí chỗ ở cho khoảng 330 nghìn người. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88 nghìn căn hộ, bố trí chỗ ở cho hơn 700 nghìn người. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của công nhân, những dự án trên chỉ đáp ứng được phần nào. Để công nhân lao động có cơ hội tiếp cận, sở hữu nhà ở xã hội, các địa phương cần thực hiện quy định của pháp luật về quỹ đất; có cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, đặc biệt là khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân; ban hành khung giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với điều kiện của địa phương…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao của công nhân, các doanh nghiệp nên học tập các mô hình ký túc xá, khu dân cư cho công nhân như tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng những căn hộ chừng 25m2, sau đó cho công nhân thuê với giá rẻ, giúp người lao động đỡ phần nào gánh nặng về tài chính, ổn định cuộc sống. Tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng những khu ký túc xá nhỏ ngay tại khuôn viên công ty để công nhân cư trú. Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thời gian sắp tới, các cấp công đoàn, đặc biệt là các công đoàn cơ sở đang tiếp tục tham mưu với chủ doanh nghiệp để nhân rộng các mô hình ký túc xá, nhà ở miễn phí, giá rẻ cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang chủ trì, phối hợp để tích cực xây dựng thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX cho công nhân lao động. Mục tiêu từ năm 2018-2030 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 50 thiết chế công đoàn tại các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện có 23 tỉnh, thành phố đã giới thiệu địa điểm, bàn giao đất sạch để Tổng liên đoàn triển khai xây dựng. Một thiết chế này sẽ có khoảng 1.000 căn hộ (giá bán từ 150 triệu đồng/căn). Theo dự tính, đến năm 2020 sẽ xây dựng 50 thiết chế công đoàn tại 50 KCN, KCX, tạo nơi ở có chất lượng cho khoảng 200.000 đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các nhà làm luật cần nghiên cứu để đưa ra những chính sách ưu đãi mua nhà xã hội, sát với thực tế để người lao động có cơ hội mua nhà.

Bài và ảnh: HOÀNG NGÂN - TRUNG TRỰC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-quyet-van-de-nha-o-cho-cong-nhan-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-604732