Giải quyết va chạm giao thông: Phải nghiêng về luật...

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra nhưng có một thực tế là người gây ra tai nạn gặp khó khăn lại được nhiều người chiếu cố, thậm chí là thương cảm. Nhiều chủ xe không những bị hỏng tài sản mà còn phải nhận những lời chỉ trích nặng nề từ cộng đồng mạng…

Nạn nhân cũng bị “gạch”, “đá” của cộng đồng mạng

Cách đây không lâu, tại bãi trông giữ xe trên đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn liên hoàn khi nhân viên điều khiển xe ô tô của khách đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe húc đổ hàng rào lao từ vỉa hè ra thẳng đường, tiếp tục đâm vào một chiếc taxi, hai xe máy, một xe ô tô hiệu Lexus RX350. Xe “điên” chỉ dừng lại khi đâm vào trước cửa một quán bar phía đối diện.

Một vụ TNGT khác, đang lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cửa xe ô tô của anh Nguyễn Văn Mạnh bị xe máy chở hai sọt hoa quả của một người đàn ông quệt vào tạo thành rãnh xước sâu, kéo dài. Sau sự việc này, anh Mạnh bị không ít thành viên trên các diễn đàn về xe nặng lời vì quan niệm đi ô tô là người có tiền, xe mua bảo hiểm sao vẫn chấp nhặt, bắt người buôn hoa quả vốn đang khó khăn về kinh tế kia phải bồi thường. Chưa kể, chỉ vì hai người đã làm cả đoạn đường bị tắc dài.

Trong năm 2016, tại TP HCM, một nhân viên làm việc tại cửa hàng rửa xe ô tô, trong lúc điều khiển xe ô tô KIA Morning của khách đã đâm hỏng đèn pha trên chiếc Mercedes-Benz E-Class (W213). Sau đó, nhân viên này đã viết tâm sự trên mạng xã hội để tìm sự giúp đỡ với nội dung khẳng định mình không có giấy phép lái xe và đang phải đối mặt với số tiền đền bù lên đến 200 triệu đồng.

Những lời than vãn trên cũng gây ra những tranh luận nảy lửa của các thành viên trên các diễn đàn về xe. Một bên cho rằng, chủ xe KIA và Mercedes nên thương cảm cho hoàn cảnh của cậu này, đồng thời làm việc với bảo hiểm để họ gánh vác giúp phần tài chính. Bên kia nghiêm khắc hơn, đề nghị chủ xe phải quyết liệt, không dung túng cho hành vi phá hoại, không biết lượng sức mình, gây thiệt hại cho người khác cả về thời gian, tài sản lẫn rắc rối khi làm việc với CQCA. Cần đặt mình vào vị trí của chủ xe mới thấy được những phiền toái do người khác mang đến.

Chi phí sửa chiếc Mercedes này lên tới 200 triệu đồng do lỗi một nhân viên cửa hàng rửa xe lái xe của khách đâm vào. (Ảnh: Gia Bảo)

Xử lý cách nào cho hợp lý hợp tình?

Anh Nguyễn Duy Mạnh, chủ chiếc xe ô tô bị chủ xe máy chở hoa quả đâm vào như đã đề cập cho biết, lúc đó anh không bắt người đàn ông kia phải đền bù nhưng vẫn phải nói kỹ để ông ta thấy được hậu quả của mình đã gây ra. Xe ô tô không mua bảo hiểm nên số tiền bỏ ra sửa vết xước dài chạy trên hai cánh cửa xe cũng lên tới tiền triệu. Nhưng không hiểu thành viên nào đó vội vã đăng ảnh lên một diễn đàn mạng khiến anh từ nạn nhân đã bị quy thành thủ phạm.

Anh Mạnh tâm sự: “Trượng nghĩa, bênh vực người khó là việc làm đáng hoan nghênh nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ, nếu không những người này sẽ luôn lấy hoàn cảnh để biện minh cho nhiều hành động sai trái khác. Nếu tôi không giải thích về hậu quả, rất có thể người chở xe hoa quả kia coi hành động của mình là bình thường, tiếp tục gây ra những hậu quả khác nặng nề hơn cho bản thân và cộng đồng”.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, hiện tại nhiều điểm trông giữ xe, rửa xe, khách sạn, nhà hàng… đang phổ biến chuyện nhân viên, bảo vệ đề nghị chủ xe đưa chìa khóa để mình cất xe giúp hoặc dồn xe vào vị trí cần thiết. Đến khi gây tai nạn lại viện dẫn đủ mọi khó khăn, kể lể hoàn cảnh.

Ở trường hợp này, chủ xe cần yêu cầu chủ bãi hoặc nhân viên trực tiếp lái xe rằng phải có giấy phép lái xe mới được điều khiển phương tiện. Nếu chủ bãi, nhân viên của bãi không tôn trọng ý kiến này, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn cố tình lái xe của khách dẫn đến tai nạn cho xe của khách, cho xe và tài sản của người khác thì hành vi trên có thể bị quy kết vào tội danh: Cố ý hủy hoại tài sản, theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngược lại, theo Nghị định 71/NĐ-CP, chủ xe ô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (không có giấy phép lái xe…) điều khiển xe tham gia giao thông cũng sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng. Ngoài việc bị xử lý hành chính, chủ xe và các cá nhân liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Theo Điều 205 - Bộ luật Hình sự, người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Từ thực tế trên để thấy rằng, chỉ trong ít phút bất cẩn, không tìm hiểu rõ về những người mình giao xe thì chính chủ xe cũng bị liên đới trước pháp luật. Đến lúc này thì không thể lấy câu chuyện tình người hay hoàn cảnh để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Thương cảm với người gặp khó khăn trực tiếp gây ra hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải đúng lúc, đúng chỗ, để họ thấy được sai trái của mình mà không tái phạm và hơn hết họ biết tuyên truyền cho người thân, cộng đồng tránh được những vi phạm không đáng có.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giai-quyet-va-cham-giao-thong-phai-nghieng-ve-luat-130788.html