Giải quyết từ cơ sở

Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trước kỳ họp thứ 8, khiến không ít đại biểu băn khoăn trước tình hình KNTC còn diễn biến phức tạp, nhất là đơn thư vượt cấp, khiếu nại sai có chiều hướng gia tăng.

Theo đó, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận 39.793 đơn thư KNTC (từ ngày 16-8-2018 đến 15-8-2019). Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.008 đơn đủ điều kiện đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng đến nay, Quốc hội mới nhận được 3.412 văn bản trả lời, còn 2.596 văn bản (chiếm 43,21%) chưa được hồi âm. Bên cạnh đó, trên toàn quốc hiện có 221 vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Điều đáng nói là 14.359 đơn đủ điều kiện gửi đến Quốc hội, có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), môi trường, an sinh xã hội... đáng lý phải được xử lý hiệu quả, dứt điểm ngay từ cấp cơ sở.

Qua rà soát, số lượng đơn KNTC phát sinh từ hoạt động của chính quyền cơ sở, nhưng số lượng công dân đến phản ánh, kiến nghị tại nơi tiếp công dân của chính quyền cơ sở và các sở, ngành còn ít. Trong khi đó, công dân KNTC lên cấp trên có xu hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, Trụ sở tiếp công dân Trung ương tiếp 217 lượt đoàn đông người, đến từ 34 địa phương với 178 vụ việc; Thanh tra Chính phủ tiếp nhận 5.704 đơn thư vượt cấp của công dân.

Thế nên, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra: Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cấp cơ sở còn rất nhiều tồn tại, hạn chế. Phát sinh nhiều kiến nghị, khiếu nại vượt cấp là do chưa giải quyết KNTC tốt từ cơ sở. Bởi chính quyền cơ sở là nơi sát dân và thường là điểm tiếp nhận đơn thư đầu tiên khi người dân thực hiện quyền KNTC. Việc giải quyết tốt KNTC ở cấp xã, phường, thị trấn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ vững, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Nhìn từ con số 67% chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố và 51% Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ năm 2019, rõ ràng, nhiều cấp chính quyền địa phương đang buông lỏng công tác tiếp dân. Việc tổ chức đối thoại để người dân được trình bày những vướng mắc, trở ngại, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, qua đó, chính quyền nắm rõ để giải quyết chưa được chính quyền cấp cơ sở chú trọng, dẫn đến tồn đọng nhiều đơn thư chưa giải quyết.

Đáng lo ngại hơn là chất lượng tiếp dân, giải quyết KNTC của chính quyền cơ sở chưa tốt, chưa thấu tình đạt lý. Do không dành thời gian đối thoại trực tiếp với công dân, nên chính quyền một số địa phương không nắm bắt cụ thể sự việc hoặc biết nhưng làm ngơ không xử lý; thái độ làm việc không đúng mực đã đẩy bức xúc của người dân tăng cao.

Phản ánh của cử tri cũng cho thấy, cán bộ tiếp dân không đủ năng lực trình độ, nhất là các kiến thức về pháp luật (tỷ lệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn pháp luật chỉ khoảng 30-50%), nên người dân thiếu tin tưởng vào chất lượng giải quyết của các cấp cơ sở.

Chính những hạn chế từ chính quyền cơ sở đã dẫn đến người dân mất niềm tin và cũng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng khiếu nại vượt cấp và kéo dài phức tạp. Việc làm này khiến nhiều vụ việc từ đơn giản trở thành phức tạp, mất thời gian của công dân và chính quyền các cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở nhiều địa phương.

Thiết nghĩ, để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện vượt cấp, chính quyền cơ sở phải khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên, làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, thực hiện tốt công tác dân vận. Chỉ khi nhân dân đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ, mới giải quyết được tận gốc vấn đề KNTC.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giai-quyet-tu-co-so/