Giải quyết triệt để 'bức xúc' chứng chỉ

Câu chuyện thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để phục vụ xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức đang làm 'nóng' dư luận và diễn đàn Quốc hội.

Câu chuyện thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để phục vụ xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức đang làm “nóng” dư luận. Ảnh minh họa/INT

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó có những điều chỉnh quan trọng về hình thức thi tuyển công chức, viên chức và thi nâng ngạch công chức.

Theo đó, đối với việc tuyển dụng cả công chức và viên chức thông qua thi, Chính phủ quy định gồm có 2 vòng thi. Vòng 1 là thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính (hoặc thi trên giấy) cho 3 nội dung thi bao gồm kiến thức chung, tin học và ngoại ngữ. Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. Nghị định 161 cũng quy định rõ, trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính, nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.

Tuy nhiên, Nghị định số 161 không quy định điều chỉnh đối với nội dung, hình thức thi thăng hạng viên chức, vì hiện nay theo quy định, Chính phủ đang giao cho các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành hướng dẫn chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành.

Như vậy, với những nội dung đã quy định tại Nghị định 161 nêu trên, xu thế chung là, nếu việc tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức mà thực hiện thông qua thi thì viên chức, công chức không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học của công chức, viên chức sẽ được đánh giá thông qua bài kiểm tra năng lực theo trình độ được quy định ở tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp.

Được biết, trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh theo xu hướng này.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay ở chỗ, Luật quy định tuyển dụng, thăng hạng đối với viên chức thực hiện thông qua 2 hình thức là thi hoặc xét. Do đó, nếu các kỳ tuyển dụng và thăng hạng thực hiện thông qua hình thức xét mà không có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì không có cơ sở để xác nhận trình độ ngoại ngữ, tin học của viên chức.

Trong khi đó, trách nhiệm của Bộ quản lý viên chức chuyên ngành là quy định cụ thể đối với từng hình thức thi hoặc xét. Nhưng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng và thăng hạng mới quyết định lựa chọn hình thức thi hoặc xét chứ không phải Bộ quản lý viên chức chuyên ngành. Như vậy, câu chuyện đặt ra là, với vai trò của Bộ quản lý viên chức ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT không phải cơ quan có quyền quyết định việc thăng hạng giáo viên mà từng địa phương sẽ thực hiện thông qua thi hay thông qua xét thăng hạng.

Muốn giải quyết triệt để câu chuyện không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thiết nghĩ cần đến sự điều chỉnh ở văn bản chế tài cao hơn, là Luật Viên chức. Theo đó, đối với việc tuyển dụng, thăng hạng viên chức, Luật cần điều chỉnh theo hướng quy định có 2 hình thức là thi tuyển và xét tuyển.
Trong đó, xét tuyển chỉ áp dụng với một số trường hợp đặc biệt (xét đặc cách với những người có thành tích đột xuất hoặc đóng góp vượt trội), còn lại là thực hiện thông qua thi và kết quả các bài thi sẽ là căn cứ để đánh giá trình độ (trong đó có trình độ ngoại ngữ, tin học) của viên chức chính xác nhất.

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giai-quyet-triet-de-buc-xuc-chung-chi-4046549-b.html