Giải quyết tranh chấp ở tòa: Có vụ 20 năm vẫn chưa xong!

Có những vụ tranh chấp giải quyết tại tòa án, hai bên đương sự chờ đến 20 năm vẫn chưa có kết quả.

Các luật sư và thẩm phán trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Tâm An

Đây là chia sẻ được ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC), thành viên Viện trọng tài London (CIArb) thông tin tại hội thảo: “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – phương án khả thi cho doanh nghiệp” diễn ra hôm nay, 16-8 tại TPHCM.

“Có thẩm phán tâm sự rằng, có vụ việc có từ khi người này vào thực tập đến khi trở thành thẩm phán vẫn đang tiếp diễn”, ông Đạt nói. Các tranh chấp chờ phân xử tại tòa án, thời gian chờ đợi để giải quyết trong thực tế là tính theo năm dù rằng thời hạn quy định tại Bộ Luật tố tụng có thể chỉ là tháng.

Trong quá trình tố tụng này, các đương sự sẽ đi qua nhiều bước như phiên sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm hay giám đốc thẩm.

Thời gian xử lý kéo dài, gây mệt mỏi, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp chính là một trong những điểm hạn chế của phương thức khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp thương mại. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức hòa giải thương mại hay bằng trọng tài với ưu điểm nổi bật là thời gian giải quyết nhanh chóng.

Theo báo cáo năm 2017 của VIAC, thời gian giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài mà VIAC đã thực hiện trung bình là 153,6 ngày/vụ việc. Cá biệt, có vụ việc chỉ mất 24 ngày.

Tương tự, với phương thức hòa giải, thời gian tối đa theo quy định hiện hành để giải quyết chỉ là 45 ngày.

Bên cạnh yếu tố thời gian, phương thức hòa giải và trọng tài còn có thêm nhiều ưu điểm khác so với phương thức qua tòa án như thông tin được bảo mật, phán quyết có hiệu lực ngay…

Bà Mai Tuyết Hạnh, Phó phòng bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TPHCM cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, để giải quyết tranh chấp thương mại, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thực hiện bằng một trong ba phương thức. Một là giải quyết tại tòa án theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Hai là giải quyết bằng trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 hoặc hòa giải theo nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Bà Hạnh nhận xét, nhìn từ góc độ quản lý lẫn thực tiễn thì việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có một số ưu điểm nổi bật. Chẳng hạn như các bên được công nhận nhiều nội dung thỏa thuận như lựa chọn phương thức trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp; lựa chọn trọng tài viên, địa điểm giải quyết, ngôn ngữ tố tụng…; phán quyết trọng tài có hiệu lực ngay từ ngày ban hành và được thi hành; nội dung, diễn tiến xét xử được giữ bí mật…

Tâm An

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277186/giai-quyet-tranh-chap-o-toa-co-vu-20-nam-van-chua-xong.html