Giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí: Hành động trước khi quá muộn

Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề 'nóng' tại các đô thị phát triển, khu - cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, bởi đây được xem là tác nhân hàng đầu gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng

Liên tục những ngày qua, chỉ số không khí (AQI) đo được bằng ứng dụng Air Visual tại 2 thành phố lớn nhất cả nước luôn ở ngưỡng từ xấu đến cực kỳ nguy hại. Mức độ ô nhiễm thường cao vào thời điểm sáng sớm, có lúc đạt tới mức AQI = 361, chỉ số chất lượng không khí chuyển sang khung màu nâu - mức báo động cho sức khỏe con người. Thời điểm này là lúc chất lượng không khí kém nhất do có nhiều nguồn phát thải hoạt động cùng lúc và trời chưa có nắng, lưu chuyển không khí thấp, dẫn đến việc tồn tại một lớp bụi như màn sương dày đặc. Ở hầu hết các điểm quan trắc, chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu.

Đáng chú ý, với việc không khí liên tiếp ở mức nguy hại, chỉ số AQI ở ngưỡng rất cao, Thủ đô Hà Nội liên tục nằm trong xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo Air Visual. Có những ngày, vào thời điểm giữa trưa, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn ở mức báo động, các con đường tại trung tâm mù mịt trong khói bụi.

Tác nhân gây ô nhiễm không khí được cho là đến từ các nguồn thải nhân tạo do hoạt động xây dựng, công nghiệp, giao thông… Các hoạt động này diễn ra thường xuyên dẫn đến lượng phát thải mang tính liên tục, đặc biệt là các phương tiện giao thông, công trình xây dựng tạo ra lượng bụi mịn lớn. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khí hậu cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, trời lặng gió, không mưa, nhiệt độ thấp làm ngưng tụ các chất ô nhiễm trong không khí, làm chúng khó phát tán lên cao và ra xa. Điều này dẫn đến tình trạng tăng đột biến các hạt bụi lơ lửng có kích thước bé như PM 2.5.

Hiện, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan chức năng hiện đang nỗ lực triển khai những giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Điển hình là việc thực hiện quy hoạch lại nhiều khu - cụm công nghiệp; di dời cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khỏi nội đô nhằm xây dựng các khu vực sản xuất tập trung theo hướng công nghiệp sạch, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến khu dân cư. Bộ Công Thương cũng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu sinh học nhằm góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu các loại khí thải có trong nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và CO2. Mới đây, Bộ Y tế lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe với hướng dẫn cụ thể về cách phòng tránh và giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm đối với sức khỏe người dân. Trước đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã khuyến cáo người dân nên hạn chế vận động tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 khi đi ra đường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có biện pháp cải thiện chất lượng không khí đồng bộ được thực hiện, người dân vẫn đang đối phó với vấn nạn ô nhiễm bằng những giải pháp tạm thời.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch
Mạng lưới không khí sạch Việt Nam :
Việt Nam chưa kiểm kê được các nguồn gây ô nhiễm nên không thể đặt hành động ưu tiên. Không xác định được cụ thể mức độ đóng góp gây ô nhiễm của từng nguồn phát thải sẽ không có giải pháp triệt để xử lý. Thêm vào đó, cần phải nhìn nhận nguyên nhân gây ô nhiễm là do chưa kiểm soát được các nguồn thải từ con người, từ đó giải quyết và kiểm soát những nguồn phát thải chủ quan này.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-quyet-tinh-trang-o-nhiem-khong-khi-hanh-dong-truoc-khi-qua-muon-130058.html