Giải quyết tận gốc tình trạng lấn chiếm vỉa hè

Tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, gây mất trật tự mỹ quan đô thị hiện nay tại nhiều tuyến đường, khu vực trọng điểm ở trung tâm thành phố vẫn diễn ra khi lực lượng chức năng rút đi. Vì thế, giải pháp căn cơ là cần tăng cường công tác tuần tra, xử phạt thường xuyên, quyết liệt hơn; đồng thời, các địa phương phải hướng đến việc sắp xếp các địa điểm kinh doanh về một đầu mối, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh buôn bán hợp pháp.

Vừa đi bộ vừa lách người qua bãi trông xe máy chiếm gần trọn vỉa hè của tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP Hồ Chí Minh), quận 3, bà Nguyễn Thị Tâm bất bình: “Vỉa hè là của người đi bộ nhưng dần dần bị chiếm dụng kiểu này thì làm gì còn chỗ mà đi, cho nên tôi buộc phải đi xuống lòng đường. Không hiểu lực lượng chức năng ở đâu mà để các bãi xe tự phát ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè…”. Ghi nhận tại khu vực này cho thấy, từ khi Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh chuyển từ đường Nguyễn Du, quận 1 về đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 (đối diện Công viên Tao Ðàn) thì lượng người tập trung đến đây làm thủ tục, hộ chiếu khá đông, từ đó xuất hiện các bãi giữ xe gắn máy tự phát để giữ xe cho khách đến giao dịch. Theo Ðội Quản lý trật tự đô thị (TTÐT) quận 3, đội đã ban hành không dưới mười quyết định xử phạt đối với chủ bãi xe tự phát nằm ngay cạnh Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, với mức phạt có lần lên tới 10 triệu đồng, nhưng sau khi xử phạt đâu lại vào đấy. Một nhân viên Ðội quản lý TTÐT quận 3 lý giải thêm: Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đưa ra mức phạt mà không có hình thức cưỡng chế, cho nên người vi phạm chấp nhận nộp phạt để tiếp tục… tồn tại. Do đó, tại các tuyến đường tập trung nhiều điểm kinh doanh buôn bán trên địa bàn quận 3 như Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Sa, Trường Sa, Rạch Bùng Binh, Lý Chính Thắng… tình trạng kinh doanh, buôn bán, để xe gắn máy lấn chiếm vỉa hè sai quy định vẫn ngang nhiên diễn ra.

Tương tự, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1, trong đó hầu hết nằm ở khu vực trung tâm thành phố như tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn trước Bưu điện thành phố), Hải Triều, Hàm Nghi, tình trạng chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe gắn máy, kinh doanh hàng quán vẫn còn diễn ra. Theo UBND một số phường trên địa bàn quận 1, việc kiểm tra xử lý thường được lực lượng Quản lý TTÐT thực hiện theo đợt, thời điểm ra quân tình hình khá trật tự nhưng sau khi hết “mùa” cao điểm thì vỉa hè lại bị chiếm dụng. Tại khu vực quận 5, các cửa hàng kinh doanh thuộc các tuyến đường như Nguyễn Trãi, An Dương Vương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Ðạo thực hiện khá nghiêm túc quy định để xe gắn máy trong khu vực kẻ vạch sơn (từ cửa nhà ra bên ngoài vỉa hè 1,2 m) nhưng vào thời điểm kinh doanh cuối năm nhiều nơi vẫn “xé rào” để xe gắn máy của khách hàng lấn ra ngoài vạch, thậm chí chiếm dụng trọn vỉa hè bày biện hàng hóa. Ðáng lưu ý, tại các địa bàn phức tạp như khu vực trước các bệnh viện: Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nguyễn Tri Phương, An Bình…, vẫn còn tình trạng buôn bán hàng rong tràn lan, lấn chiếm lòng đường khiến việc lưu thông đi lại khó khăn vào giờ cao điểm, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Ðội trưởng Ðội Quản lý TTÐT quận 3 Trần Việt Lâm cho biết: Quận 3 đã quán triệt và triển khai công tác quản lý sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 22 của UBND thành phố đến 14 phường. Kết quả bước đầu quận đã tập trung giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và đã có những chuyển biến rõ rệt tại một số khu vực tập trung đông trường học và bệnh viện trên địa bàn; một số tuyến đường như Hoàng Sa, Trường Sa, Rạch Bùng Binh từng bước được lập lại trật tự. Tuy nhiên, theo ông Lâm, với đặc thù trên địa bàn quận có khoảng 300 hộ kinh doanh, buôn bán hàng rong nhỏ lẻ (trong đó chiếm 30% là người dân địa phương) việc xử lý không đơn thuần là đẩy đuổi hay xử phạt mà chính quyền còn tính đến các giải pháp lâu dài. Quận cũng đã thực hiện bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh mặt hàng ăn uống theo hướng tập trung vào một khu vực chuyên doanh nhằm hạn chế tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè tràn lan. Từ cuối năm 2017 đến nay, quận đã bố trí sắp xếp 50 hộ kinh doanh ăn uống vào tuyến hẻm 62 Lý Chính Thắng, được người dân đồng tình ủng hộ, đã bảo đảm kinh doanh một cách căn cơ không gây xáo trộn. Thực tế cho thấy, việc bố trí sắp xếp các khu vực chuyên doanh cũng được nhiều địa phương trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp vướng mắc vì hầu hết địa phương khó tìm mặt bằng trống và đủ rộng để bố trí sắp xếp thành một khu vực kinh doanh độc lập...

Phòng Quản lý đô thị quận 5 nhìn nhận: Giải pháp về lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè trong năm 2019 được quận triển khai là đề nghị 15 phường lập danh sách các điểm nóng trên địa bàn, từ đó các phường đăng ký thực hiện giải quyết từ một đến hai điểm nóng hằng tháng. Trên cơ sở đó, tùy theo tình hình thực tế, quận sẽ phối hợp phường giải quyết hay phối hợp liên phường, huy động trật tự đô thị các phường giáp ranh để cùng ra quân thực hiện. Ngoài ra, hằng tuần, quận còn cử lực lượng tái kiểm tra, ghi hình những điểm tái chiếm, lấn chiếm tại các khu vực đã ra quân để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các phường thực hiện. Với cách làm quyết liệt này, quận 5 đánh giá nhiều khu vực kinh doanh buôn bán lấn chiếm đã có sự chuyển biến rõ rệt như tuyến đường Nguyễn Trãi (phường 2, 3), Hùng Vương, Hải Thượng Lãn Ông, Hồng Bàng, An Dương Vương…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42528902-giai-quyet-tan-goc-tinh-trang-lan-chiem-via-he.html