Giải quyết tài sản bất minh qua tòa án: Không khả thi!

Phương án giải quyết thông qua tòa án sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, không giúp ngăn chặn hiệu quả tiêu cực, tham nhũng

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 26, cho ý kiến về một số vấn đề về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57). Ngoài phương án thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính trước đây, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.

Mới nghe qua có vẻ khách quan, tối ưu nhưng thực tế sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp, tính khả thi không cao. Bởi lẽ:

Thứ nhất, nếu xác định là tranh chấp dân sự thì phải được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tức sẽ qua các trình tự giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm, mất rất nhiều thời gian, công sức. Thực tế đã có vụ việc tranh chấp dân sự kéo dài hàng chục năm vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Việc xác minh nguồn gốc tài sản để truy cứu trách nhiệm của cán bộ, công chức liệu có còn ý nghĩa khi thời gian để đưa ra phán quyết kéo dài "bất tận"?

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng nên áp dụng thủ tục giải quyết riêng như là một biện pháp mang tính hành chính tư pháp và phán quyết của tòa án là quyết định cuối cùng. Nếu vậy thì không thể đảm bảo sự khách quan, công bằng cho các bên, đi ngược lại nguyên tắc hoạt động của tòa án, của hệ thống pháp luật về dân sự tiến bộ hiện nay.

Thứ hai, theo pháp luật hiện hành, nguyên tắc hoạt động, xét xử của tòa án là độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, đối tượng giải quyết trong trường hợp này là cán bộ, công chức, có chức, có quyền, thậm chí đứng đầu các địa phương, đơn vị. Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện liệu có đảm bảo sự công tâm, khách quan, "chỉ tuân theo pháp luật" khi ra phán quyết tuyên tài sản của bí thư, chủ tịch cấp tỉnh, cấp huyện là bất minh?

Ngoài ra, nếu giao nhiệm vụ xác định tài sản bất minh cho tòa án sẽ làm tăng khối lượng công việc của cơ quan này, tăng biên chế, bộ máy mà hiệu quả không cao. Mặt khác, ai là người đứng nguyên đơn để khởi kiện ra tòa, cấp dưới, ngang cấp có thể "kiện" cấp trên, cùng cấp?

Vì vậy, theo chúng tôi, phương án giải quyết thông qua tòa án đối với xác định tài sản, thu nhập tăng thêm không chứng minh được nguồn gốc là không khả thi, thậm chí có thể làm phức tạp thêm vấn đề, không giúp ngăn chặn hiệu quả tiêu cực, tham nhũng.

Tôi đồng tình với một số Đại biểu Quốc hội là chưa nên sửa luật này trong giai đoạn hiện nay mà nên tập trung vào các vấn đề về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp cụ thể, quyết liệt hiện có để phòng ngừa tham nhũng như điều tra, xử lý nghiêm, "đến nơi, đến chốn. Đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc, có thể tịch thu sung công quỹ ngay. Khi đó, nếu thấy quyền lợi bị xâm hại, đương sự có thể khởi kiện ra tòa theo quy định hiện hành.

Ths Luật Phạm Văn Chung (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/giai-quyet-tai-san-bat-minh-qua-toa-an-khong-kha-thi-20180817092513597.htm