Giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống sông Đồng Nai

Ngày 10-12, tại Đồng Nai, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã tổ chức phiên họp lần thứ 12, đánh giá hoạt động hai năm 2017, 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có 11 tỉnh, thành phố, gồm: Đác Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá, trong hai năm 2017, 2018, thông qua hoạt động của Ủy ban Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, 11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực và các bộ, ngành đã triển khai các nội dung của Đề án sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh và đánh giá, kiểm soát và xử lý các nguồn thải trên lưu vực sông.

Cụ thể, kết quả quan trắc năm đợt, 49 điểm của Tổng cục Môi trường cho thấy, chất lượng nước tại khu vực thượng nguồn và trung lưu trên các sông chính của hệ thống sông Đồng Nai khá tốt. Tuy nhiên, tại một số điểm, như: chân đập Dầu Tiếng; sông Thị Tính (tỉnh Bình Dương) đến hạ lưu cảng Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh), giá trị N-NH4 vượt quy chuẩn; nông độ ô-xy hòa tan trong nước bắt đầu suy giảm, không đạt giới hạn cho phép,…

Tại phiên họp, đại diện một số địa phương cho rằng, hoạt động quan trắc tự động giám sát xả nước thải công nghiệp ra sông còn thiếu sự phối hợp, chia sẻ thông tin, mỗi tỉnh lắp đặt hệ thống quan trắc chủ yếu phục vụ nhu cầu riêng của địa phương mình. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần quan tâm việc sản xuất nông nghiệp sạch để bảo vệ môi trường, vì các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai có diện tích trồng trọt lớn, cơ sở chăn nuôi lợn ven sông nhiều.

Kết luận phiên họp, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đề nghị, các địa phương tập trung kiểm soát chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh; cập nhật nguồn thải có lưu lượng xả thải từ 200m3/ngày trở lên để đánh giá toàn diện mức độ tiếp nhận chất thải của hệ thống lưu vực sông.

Ngoài ra, các địa phương thống nhất chia sẻ dữ liệu, ứng dụng quan trắc tự động để giám sát môi trường và phối hợp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước liên tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở có quy mô xả thải lớn lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, giám sát.

Tại phiên họp, chức danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ IV (2019-2020) được chuyển giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/38527402-giai-quyet-o-nhiem-moi-truong-he-thong-song-dong-nai.html