Giải quyết những thách thức với đô thị Đà Nẵng thế nào?

Đô thị Đà Nẵng đang bộc lộ nhiều hạn chế từ ngập úng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông cục bộ, thiếu bãi đỗ xe, thiếu nước sinh hoạt, thiếu không gian công cộng và lối xuống biển... đã tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân. Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến nhìn nhận những vấn đề này thế nào trước kỳ họp HĐND TP diễn ra hôm nay, 17-12. Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Báo Công an TP Đà Nẵng với ông Tiến.

Ông Nguyễn Thành Tiến

Ông Nguyễn Thành Tiến

PV: Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng ngập úng của đô thị Đà Nẵng những ngày qua?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Đây là vấn đề bức xúc nhất hiện nay và sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp lần này. Năm 2018 TP đặt mục tiêu xử lý 18/26 điểm ngập úng thì đến nay đã xóa 13 điểm, 5 điểm đang triển khai. Nhìn một cách tổng thể, từ năm 2007 đến nay với sự hỗ trợ của WB, Đà Nẵng đã đầu tư nhiều tuyến cống chủ lực cấp 1 như dọc tuyến Nguyễn Tất Thành, Trường Sa, Lê Độ, Hải Phòng- Ông Ích Khiêm... Các điểm ngập úng truyền thống trước đây như bờ hồ Hàm Nghi, Đầm Rong cơ bản có tuyến cống đến, nếu trong điều kiện thời tiết không cực đoan, mưa nhiều như vừa qua sẽ không bị ngập úng.

Tuy nhiên, từ chuyện ngập úng vừa rồi còn nhiều chuyện phải đưa ra bàn thảo về hiệu quả trong công tác đầu tư xử lý thoát nước của TP những năm qua, đặc biệt là dự án thoát nước thải vệ sinh môi trường từ nguồn vốn vay WB. Đây là dự án bền vững, nhưng chưa tính toán lường hết trường hợp mưa quá lớn, dẫn đến bị "thất thủ" thì bền vững ở đâu? Công tác dự báo, thiết kế còn bất cập, chưa theo kịp thực tế. Đơn cử như tuyến thoát nước dọc ven biển phía Đông TP, cứ mưa là nước thải tràn ra biển, gây ô nhiễm, bức xúc. Đáng lẽ phải tính toán được tình huống hệ thống nhà cao tầng xây dựng quá nhanh, hệ thống thoát nước quá tải để đầu tư đường cống phù hợp, nước thải không tràn ra biển.

Sắp tới TP sẽ đầu tư bổ sung thêm cho hệ thống thu gom xử lý nước thải phía Đông, đó là việc cần thiết, tuy nhiên Ban Đô thị khuyến cáo Ủy ban tính toán thận trọng, phải có giải pháp lấy biển là đối tượng chính để nghiên cứu, tránh tác hại đến biển, hạn chế tối đa các sự cố xảy ra để biển phải gánh chịu. Ban Đô thị đang có hướng đề xuất nên chăng hệ thống thu gom nước thải phía Đông đưa về phía sông Hàn để giữ an toàn cho biển. Bởi vì, sông Hàn có chức năng tải nước từ trên thượng nguồn xuống nên nếu có sự cố sẽ dễ dàng giải quyết, không ảnh hưởng đến biển, vì kinh tế Đà Nẵng là kinh tế du lịch, biển đóng vai trò lớn trong nguồn thu. Phải xem biển là đối tượng quan trọng cần được bảo vệ tuyệt đối. Sau đợt ngập úng vừa rồi, Ban Đô thị cũng đề nghị Ủy ban khoanh vùng những khu vực cần bổ sung, nâng cấp thêm các tuyến cống quá tải, bảm bảo tương lai không bị ngập úng tái diễn.

PV: Đối nghịch với tình trạng ngập úng là việc thiếu nước sinh hoạt đang là thách thức lớn mà đô thị Đà Nẵng phải đối mặt. Ông có kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Theo tôi cần nghiên cứu nguồn nước thô an toàn. Hiện nguồn nước thô từ nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp cho TP đang phụ thuộc lớn vào xả lũ thủy điện đầu nguồn, chưa kể thời tiết cực đoan, nhiễm mặn, nhiễm độc, ô nhiễm. Cần rà soát, quy hoạch lại nguồn nước thô, có nhất thiết một con đường độc đạo chỗ Cầu Đỏ hay phải nghiên cứu rộng ra sông Cu Đê, sông Vĩnh Điện. TPHCM nghiên cứu cả lên hồ Dầu Tiếng, Hà Nội đưa từ Sông Đà về, Đà Nẵng thì sao? Hiện nhà máy nước Cầu Đỏ cấp dùng cho TP lúc cao điểm khoảng 280 ngàn m3/ngày đêm, dự báo đến năm 2020 nhu cầu 536 ngàn m3/ngày đêm, tăng gấp 2 lần. Vì thế, phải đẩy nhanh đầu tư nhà máy nước Hòa Liên. Nhà máy này có chủ trương từ năm 2012 mà đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ. Với lượng du khách tăng như hiện nay, đến năm 2019 TP sẽ ngấp nghé thiếu nước, trong khi thủ tục đầu tư NMN Hòa Liên có nhanh cũng phải năm 2020 mới xong. Ban Đô thị sẽ tập trung giám sát để cố gắng năm 2020 phải đầu tư xong NMN Hòa Liên. Ngoài ra, cần nâng cấp NMN Cầu Đỏ, đầu tư mới NMN đưa nước thô từ sông Vĩnh Điện về phía Ngũ Hành Sơn. Việc cuối cùng cần đầu tư thêm mạng lưới đường ống cấp nước từ NMN Hòa Liên về, nâng cấp hệ thống ống cấp nước hiện tại. Chẳng hạn đường ống cấp nước khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn thiết diện nhỏ, đang quá tải, cần nâng cấp thiết diện lớn hơn. Ba vấn đề trên cần triển khai đồng bộ thì mới đảm bảo nguồn nước sinh hoạt an toàn cho TP trong tương lai. Chúng tôi sẽ giám sát để việc đầu tư này hiệu quả hơn.

PV: Hiện nay người dân Đà Nẵng rất bức xúc về chỗ đậu đỗ ô- tô khu vực trung tâm, Ban Đô thị nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Năm 2018 TP có chủ trương đầu tư trước mắt 18 bãi đỗ xe tại các khu vực bức thiết nhất để tránh đậu đỗ xe dưới lòng đường cản trở giao thông, gây ùn tắc. Tuy nhiên việc triển khai rất chậm, đến nay mới phê duyệt quy hoạch được 2 điểm, mới có 1 điểm 255- Phan Châu Trinh triển khai thủ tục. Theo Nghị quyết của HĐND cuối năm 2018 phải đưa vào vận hành bãi đỗ xe 255- Phan Châu Trinh nhưng đến nay vẫn chưa khởi công, như vậy rất chậm. Với giao thông tĩnh (các bãi đỗ xe) lâu nay trong quy hoạch giao thông có đặt vấn đề việc dành quỹ đất chưa được phù hợp. Chẳng hạn có những khu vực dành quỹ đất nhưng để triển khai rất khó, phải giải tỏa đền bù lớn hay lại sử dụng qua mục đích khác. Ngoài ra, chính sách xã hội hóa các bãi đỗ xe để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách của TP chưa hấp dẫn, cần phải điều tiết lại. Tính bức thiết của bãi đỗ xe là khu vực trung tâm nhưng mâu thuẫn chỗ khu vực trung tâm là đất vàng, giá trị đất rất cao, do vậy cần tính toán bãi đỗ xe có sự kết hợp linh hoạt với các dịch vụ khác để nó có thể sinh ra nguồn thu cân bằng vấn đề kinh tế thì mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Tiến: Dự án thoát nước bền vững mà để xảy ra ngập lụt như vừa qua thì cần xem lại hiệu quả đầu tư.

PV: Thế còn tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ đang diễn ra nhiều điểm trong TP thì sao thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Chúng tôi nhận thấy tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại các khu vực trường học, bệnh viện và một số nút giao thông... chưa được cải thiện. Việc phân luồng giao thông chống ùn tắc dù có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao, chống tắc chỗ này thì dẫn ùn ứ chỗ khác, cấm xe trên các tuyến đường chính thì ô-tô đậu đỗ kín các tuyến phố nhỏ, kiệt hẻm... Trong khi đó, đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, điều tiết phương tiện vận tải vào trung tâm TP khá chậm so với kế hoạch. Nhiều nội dung của đề án như đưa 6 tuyến xe buýt mới, thu phí phương tiện giao thông cá nhân vào trung tâm TP vẫn chưa được triển khai. Tôi cho rằng giải pháp hiện nay cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các bãi đỗ xe, tăng cường vận tải giao thông công cộng gắn với kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, nâng cấp cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng. Bên cạnh đó, cần phân luồng, phân làn hợp lý để điều tiết giao thông từ xa, tránh ùn tắc.

PV: Qua giám sát, ông thấy việc triển khai các vấn đề bức thiết với đô thị Đà Nẵng nêu ra từ các kỳ họp HĐND trước đến nay có chuyển biến gì không?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Một số điểm nóng về môi trường TP đang giải quyết tích cực. Chẳng hạn bãi rác Khánh Sơn nổi cộm lên do một đợt xử lý không đúng quy trình của Cty Môi trường, sau đó đã chấn chỉnh, đặc biệt khi làm xong trạm xử lý nước rỉ rác, tình hình cải thiện đáng kể. 2 nhà máy thép đã có kết luận thanh tra, các ngành cũng đang làm tích cực. Một số trạm xử lý nước thải đầu mối được đầu tư, nâng cấp xử lý cơ bản đi vào hoạt động.

Ngoài ra, một số vấn đề bức thiết từ kỳ họp trước như xây dựng trái phép gây bức xúc dư luận đã được kìm chế, cơ bản kiểm soát. Công tác đền bù giải tỏa những tháng cuối năm được tập trung quyết liệt, có những khởi sắc như tại dự án Khu công nghệ cao, kênh thoát lũ Hòa Liên... Về chỉ đạo của Thành ủy trong Thông báo 331 như mở lối xuống biển, lập quy hoạch các khu đất thu hồi để xây dựng công trình công cộng hay nghiên cứu quy hoạch trung tâm TP, tổ chức lại một số không gian đô thị... cũng được triển khai tích cực. Một khởi sắc nữa là công tác chấn chỉnh bố trí chung cư, ủy ban đã thực hiện thanh tra về công tác quản lý, xét duyệt, bố trí chung cư, đã chỉ ra một số sai phạm trước đây và có chấn chỉnh, kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc, đến nay chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp.

PV: Xin cảm ơn ông.

HẢI QUỲNH (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_199738_giai-quyet-nhung-thach-thuc-voi-do-thi-da-nang-the.aspx